Chiêu lừa qua Facebook ở TP.HCM khiến người cẩn thận nhất cũng sập bẫy

Vừa chuyển 10 triệu đồng theo số tài khoản đúng họ tên bạn thân, chị M.N. (TP.HCM) sững người khi bạn gọi điện thoại báo tin Facebook đã bị hack, kẻ xấu đang lừa tiền khắp nơi.

Cách đây hai tuần, chị M.N. (sống tại TP.HCM) nhận được tin nhắn Facebook từ một người bạn hỏi vay 10 triệu đồng vì có chuyện gấp. Vì là bạn chơi thân, cũng từng nhiều lần cho vay mượn nên chị N. đồng ý.

Người bạn gửi số tài khoản ngân hàng, khác với số từng chuyển trước đây, song chị N. chỉ nghĩ "chắc bạn có nhiều thẻ khác nhau". Nhập số tài khoản cùng tên ngân hàng lên app Internet Banking, thấy hệ thống hiện ra đúng họ tên chính chủ của bạn mình, chị N. chuyển khoản mà không nghi ngờ gì thêm.

"Bình thường, tôi sẽ gọi điện xác nhận trước với bạn rồi mới chuyển tiền, nhưng lúc đó tôi cũng đang có việc bận, lại thấy hệ thống check ra đúng họ tên bạn là chủ tài khoản nên chuyển ngay. Một lúc sau, bạn gọi điện hỏi có thấy bị nhắn tin vay tiền không, tôi sững người khi biết Facebook của bạn đã bị hack còn mình vừa 'sập bẫy' lừa đảo", chị N. kể lại với Tri thức - ZNews.

Vốn là người cẩn trọng trước các chiêu thức lừa đảo qua mạng, lừa đảo ngân hàng, chị N. nói rằng không ngờ một ngày mình trở thành nạn nhân. Trước đó, chị chưa từng biết về kiểu lừa đảo qua Facebook bằng tài khoản ngân hàng họ tên chính chủ như vậy.

Chị M.N. không phải nạn nhân duy nhất. Theo ghi nhận của Tri thức - Znews, thời gian gần đây đã có nhiều người sập bẫy kiểu lừa tiền này. Theo đó, kẻ xấu sẽ hack Facebook, làm thẻ ngân hàng mạo danh họ tên của chính chủ đó rồi nhắn tin hàng loạt để lừa tiền bạn bè, người thân của họ.

Chiêu lừa đảo tinh vi

Trước Tết Nguyên đán vừa qua, chị T.P. (28 tuổi, TP.HCM) cũng dính chiêu lừa đảo tương tự và bị mất 700.000 đồng.

"Lúc đó, tôi thấy em trai nhắn tin qua Facebook hỏi mượn tiền. Thấy em gửi ảnh chụp mã QR chuyển khoản, kèm theo số tài khoản và tên ngân hàng, vay số tiền cũng không quá lớn nên tôi chuyển ngay mà không nghĩ ngợi gì", chị P. kể.

Kẻ xấu hack Facebook em trai chị P. và nhắn tin vay tiền nhiều lần, với tài khoản ngân hàng trùng tên chính chủ. Ảnh: NVCC.

Kẻ xấu hack Facebook em trai chị P. và nhắn tin vay tiền nhiều lần, với tài khoản ngân hàng trùng tên chính chủ. Ảnh: NVCC.

Vừa chuyển khoản xong, em trai chị P. gọi điện báo vừa bị hack Facebook, đừng cho ai vay tiền. Lúc này, chị mới biết bị lừa.

Ngay sau đó, thấy "con mồi" đã chịu chuyển tiền, kẻ lừa đảo tiếp tục nhắn tin vay tiếp 1,3 triệu đồng. Nhưng lúc này đã biết sự thật, chị không trả lời tiếp. "Dù sao tôi vẫn thấy may mắn vì mới mất số tiền nhỏ, coi như là một bài học lớn để cảnh giác hơn trước những chiêu trò tinh vi".

Chị P. nói rằng yếu tố khiến chị "sập bẫy" dễ dàng như vậy là vì khi nhập số tài khoản và tên ngân hàng thì thấy hiện đúng họ tên em mình. Bởi nhiều người dùng dịch vụ chuyển tiền online vẫn nhập số tài khoản, xem họ tên hiện trên hệ thống để xác minh chính chủ.

"Tôi không hề biết là có thể lập tài khoản giả mạo bằng họ tên chính chủ. Sau khi bị lừa, tôi đi tìm hiểu mới biết một số ngân hàng cho phép làm tài khoản ngân hàng online, kẻ xấu dễ lợi dụng kẽ hở này để làm giả căn cước công dân, chứng minh nhân dân rồi đăng ký làm tài khoản giống y hệt tên nạn nhân", chị P. nói.

Cả chị N. và chị P. đều cho rằng kiểu lừa đảo này khiến những người cẩn thận nhất cũng có thể sập bẫy. Khi hai nạn nhân kể câu chuyện cho mọi người xung quanh, đa số đề ngỡ ngàng vì không biết có chiêu lừa này.

Chị N. kể thêm rằng không chỉ đơn thuần lập tài khoản ngân hàng bằng họ tên chính chủ, kẻ lừa đảo còn đọc lại tin nhắn cũ giữa chủ Facebook bị hack và nạn nhân để trò chuyện rất tự nhiên.

Một người em của chị N. may mắn không "sập bẫy" khi biết trước về chiêu lừa đảo này. Ảnh: NVCC.

Một người em của chị N. may mắn không "sập bẫy" khi biết trước về chiêu lừa đảo này. Ảnh: NVCC.

"Tôi nghĩ chúng đã lường trước được cách phản ứng đề phòng thông thường của các nạn nhân và chơi chiêu để gạt bỏ sự nghi ngờ", chị nói.

Cách đây vài ngày, một người em khác của chị N. cũng bị nhắn tin vay tiền từ một tài khoản đã bị hack. May mắn đã biết câu chuyện của chị nên tránh được cú lừa.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông, trong năm 2023, số lượng các vụ lừa đảo công nghệ cao tăng gần 70% so với năm 2022. Các đối tượng lừa đảo với nhiều chiêu bài trên không gian mạng và qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin mất sạch tiền.

Giữa tháng 4 vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam. Người dùng cần cảnh giác trước thủ đoạn thuê, mua tài khoản ngân hàng để tránh tiếp tay cho kẻ xấu, đừng tin tưởng những fanpage tự nhận hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa.

Các chuyên gia bảo mật khuyên người dân cần bảo vệ thông tin cá nhân. Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển tiền nào cũng cần xác minh danh tính, có thể qua việc gọi điện thoại trước tiếp cho người đó.

Loay hoay tìm cách xử lý sau khi bị lừa đảo

Ngày 20/1, Công Tài (25 tuổi, Nghệ An) phát hiện trang cá nhân đã bị hack, kẻ xấu đã chiếm quyền. Biết kẻ xấu chắc chắn sẽ đi nhắn tin vay tiền bạn bè trên Facebook, anh lập tức gọi điện báo cho những người quen thân có khả năng sẽ cho vay.

"Nhưng tôi chưa kịp gọi hết thì nhiều bạn bè đã bị lừa. Có người chuyển vài trăm nghìn, nhiều nhất bị lừa hơn 4 triệu đồng. Tôi tính sơ qua, tổng cộng người quen đã bị lừa hơn 10 triệu đồng, nhưng đó chỉ là những người tôi có thể liên lạc được, có thể còn những người bị lừa mà tôi không biết", anh cho biết.

 Công Tài không thể lấy lại tài khoản Facebook, cũng không báo cáo để khóa tài khoản này sau khi phát hiện bị hack. Ảnh minh họa: Pixels.

Công Tài không thể lấy lại tài khoản Facebook, cũng không báo cáo để khóa tài khoản này sau khi phát hiện bị hack. Ảnh minh họa: Pixels.

Anh kể trước đó một ngày, thấy có thông báo thiết bị mới đăng nhập Facebook nhưng không để ý, vì mật khẩu vẫn như vậy và mình vẫn có thể hoạt động bình thường. Nhưng ngày hôm sau, anh bất ngờ bị out, không thể đăng nhập lại.

"Có thể hack được Facebook, kẻ xấu làm giả tài khoản ngân hàng xong rồi mới đổi mật khẩu và bắt đầu đi nhắn tin lừa tiền. Như vậy, tôi không có thời gian để cảnh báo người quen".

Facebook chính đã bị chiếm, anh dùng tài khoản phụ để đăng bài cảnh báo, nhờ một số bạn bè đăng thêm để tránh mọi người bị lừa thêm. Tài còn nhờ mọi người bấm report (báo cáo xấu) để tài khoản lừa đảo bị khóa nhưng không thành công.

Nhưng một tháng sau, một số người quen liên hệ cho biết tài khoản bị hack lại đi nhắn tin vay tiền thêm một lần nữa. Tài khoản phụ của anh cũng bị kẻ xấu "block" nên không thể vào xem trang chính nữa.

"Đến nay, tài khoản bị hack kia vẫn đang hoạt động, với hơn 4.000 người theo dõi. Tôi sợ mọi người bị lừa những không tìm cách nào khóa được nick đó. Tôi vẫn chưa biết tại sao mình bị hack Facebook, khi tài khoản đã đăng ký chính chủ, thực hiện bảo mật hai lớp", anh nói.

Đào Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chieu-lua-qua-facebook-o-tphcm-khien-nguoi-can-than-nhat-cung-sap-bay-post1474009.html