Chiêu mộ thủ môn Việt kiều Thái, Học viện bóng đá HAGL thời 2.0 đã khác
Học viện bóng đá HAGL thời 2.0 có sự khác biệt như thế nào so với thời điểm thành lập (năm 2007) với tên gọi Hoàng Anh Gia Lai JMG Arsenal?
Học viện bóng đá HAGL 1.0 nổi đình đám với thế hệ khóa 1 được đào tạo từ 2007 và ra mắt cuối năm 2013, khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam đi từ ngạc nhiên đến thú vị, rồi hâm mộ trước những tên tuổi Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Phong Hồng Duy, Vũ Văn Thanh, Lương Xuân Trường...

Thủ môn Việt kiều Thái Lan Chaloongphm Phong với chiều cao nổi bật trong ngày CLB HAGL chính thức thông báo đã ký hợp đồng
Thời 2.0 dưới sự điều hành và quản lý của Giám đốc Học viện Vũ Tiến Thành kiêm Giám đốc kỹ thuật CLB HAGL từ cuối năm 2023, đặc biệt khi đầu năm 2024, bầu Đức mong muốn và quyết liệt đầu tư trở lại, đầu tư đến nơi đến chốn bóng đá trẻ - với tên gọi Học viện bóng đá HAGL - có gì khác?
Không chỉ là giá trị truyền thống
Vẫn là chương trình đào tạo song song giữa chuyên môn và học vấn, các tài năng trẻ được đào tạo ở đây phải ít nhất tốt nghiệp cấp 3, rồi phải có bằng đại học đồng thời được học tiếng Anh. Hơn hết, phương châm hành động của bầu Đức đối với bóng đá trẻ HAGL là phải “Tiên học lễ, hậu học văn”, từ đó văn hóa ứng xử trong và ngoài sân cỏ của các cầu thủ là phải dựa trên tinh thần thượng võ, fair play.

Chaloongphm Phong đang học tiếng Việt
Về chuyên môn, vẫn như trước dựa trên nền tảng, triết lý bóng đá đẹp, kỹ thuật, nhưng nay thêm chất “chiến binh”. Để là những chiến binh, các cầu thủ giờ đây được rèn luyện, nâng cao thể lực từ sức mạnh đến sức bền, được trang bị thêm “chất quái”, kỹ xảo (không phải tiểu xảo) cần thiết của một cầu thủ để chiến đấu, tận hiến đến những giây phút cuối cùng của trận đấu với tinh thần, ý chí không bao giờ đầu hàng.
Sự khác biệt lớn của thời 2.0 là đào tạo cả đội bóng, đào tạo mọi vị trí trên sân thay vì thời 1.0 chỉ đào tạo các nghệ sĩ đá bóng. Chính vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng ngự từ thủ môn, hậu vệ, trung vệ cho đến tiền vệ phòng ngự được đào tạo thời 1.0 thường không hoàn thiện, vì không chỉ thiếu sức mạnh mà dù chơi ở vị trí phòng ngự, nhưng phòng thủ lại yếu hơn tấn công. Đó là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao CLB HAGL đá đẹp nhưng lại thua.
Sẽ thiếu sót lớn nếu không nói đến một sự khác biệt nữa giữa 1.0 và 2.0, đó là: thể hình cao to, tố chất mạnh khỏe là tiêu chuẩn quan trọng của đầu vào.
6 thủ môn có chiều cao trên 1,84m
Chiều 10.4, CLB HAGL và Học viện bóng đá HAGL thông báo đã chính thức ký hợp đồng với thủ môn Việt kiều Thái Lan Chaloongphum Phong.
Chaloongphum Phong sinh ngày 29.10.2009, cao 1,87m, nặng 75kg. Phong có bố người Thái Lan, mẹ người Việt Nam. Tập thủ môn từ năm lên 7 tuổi và đã từng tham gia các lò đào tạo nổi tiếng Thái Lan như Suphanburi FC, Bangkok Glass FC, Nonthaburi United, Paris Saint Germain Academy Thailand… Phong đã giành nhiều giải trẻ và được các HLV đánh giá là thủ môn triển vọng. Ngoài ra, Phong có thể nói 3 ngôn ngữ: Việt Nam, Anh, Thái Lan.

Từ phải qua trái: Khang (1,95m); Kiên (1,92m); Phong (1,87m); Lợi (1,86m)
Ngoài Chaloongphum Phong, hiện nay CLB HAGL và Học viện HAGL còn có 5 thủ môn với chiều cao thấp nhất là 1,84m gồm: tuyển thủ quốc gia Trần Trung Kiên (22 tuổi, cao 1,91m); Nguyễn Vũ Khang (20 tuổi, cao 1,95m, nặng 85,5kg, vào học viện năm 2019); Trần Mai Gia Phúc (17 tuổi, cao 1,85m, nặng 73kg, vào học viện cuối năm 2023); Cẩm Bá Hiếu (15 tuổi, cao 1,84m, nặng 74 kg, vào học viện năm 2025) và Nguyễn Thành Lợi (16 tuổi, cao 1,86m, nặng 69kg, vào học viện năm 2025). Trong số này, Khang đang khoác áo đội Kontum thi đấu giải Hạng Nhì 2025 với hợp đồng cho mượn và Thành Lợi được tuyển chọn từ Học viện bóng đá Park Hang-seo.
Từ những con số này, Bá Hiếu là người thấp nhất (1,84m) nhưng cũng chính là người nhỏ tuổi nhất (15 tuổi). Trong tương lai, chắc chắn Bá Hiếu sẽ vượt qua chỉ số 1,84m. Có nghĩa là, triết lý ưu tiên thể hình, tố chất ở đầu vào của thời 2.0 đã và đang được áp dụng triệt để cho dù ban tuyển chọn của Học viện HAGL cũng đã bắt đầu chú ý đến “chuẩn thể hình” từ năm 2019 với sự xuất hiện của Vũ Khang mà giờ đây đã cao 1,95m.
Trẻ, khỏe, tự tin
Nhưng “chuẩn thể hình” không chỉ áp dụng cho vị trí thủ môn. Những ngôi sao mới, những chàng trai trẻ tuổi còn vô danh đã được thi đấu ở đội một HAGL ở đấu trường V-League cũng nổi bật “chuẩn thể hình”. Đó là trung vệ 17 tuổi 9 tháng Đinh Quang Kiệt, “tòa tháp” ở tuyến phòng thủ HAGL với chiều cao 1,95m. Trong ngày ra mắt thắng Becamex Bình Dương, Kiệt đã cùng ngoại binh Jaicro vô hiệu hóa "khẩu súng hai nòng" Tiến Linh - Timite rất lợi hại của Bình Dương; là trung vệ 22 tuổi Phạm Lý Đức cao 1,82m được gọi lên đội tuyển Việt Nam; là tiền đạo và có thể chơi tiền vệ tấn công Trần Gia Bảo, cao 1,8m, người đang giữ kỷ lục là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong lịch sử V-League...

Đinh Quang Kiệt với chiều cao 1,95m bị gọi vui là "thợ gỡ bóng đèn"
***
Hãy còn quá sớm để kết luận thời 2.0 sẽ thành công rực rỡ. Nhưng, với những gì đã và đang chuyển động toàn diện ở Học viện HAGL từ chuyên môn đến dinh dưỡng, và cả sự đổi mới, hoàn thiện của các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cũng như các phòng chức năng y học thể thao, khoa học thể thao... có thể nói, CLB bóng đá HAGL đang hồi sinh với thời Học viện bóng đá HAGL 2.0!