Chiều mưa nhớ má…

Má gọi điện hỏi ủa chớ hè tụi bây có về chơi không? Rồi khi nghe đứa con gần nửa năm nay chưa về trả lời bận việc, má cười buồn 'bận thì thôi'. Nó nghe trong lời má có gì buồn dữ lắm mà rưng rức lòng một nỗi ân hận. Thà má cứ chửi xối xả như hồi nhỏ rằng tụi bây thế này thế nọ, thà má cứ xách roi rượt chạy té khói như ngày xưa. Đằng này má chỉ biểu 'thì thôi'.

Nó chẳng thể nào để tâm vào cái deadline còn đang dang dở được nữa. Cái giọng buồn buồn của má cứ vang vang trong đầu hoài. Sực nhớ cũng đã lâu lắm rồi má chẳng còn mắng mỏ chị em nó nữa. Mỗi khi có đứa cãi lời, má chỉ buồn buồn “ờ, lớn rồi, đâu cần má dạy chi nữa”. Vậy là bao nhiêu lý lẽ sắp sẵn để tranh cãi, giải thích tự dưng trôi tuột đâu mất. Rồi tự dưng lòng nghẹn lại một nỗi hối hận đã làm má buồn.

Ảnh minh họa.

Kỳ lạ là càng tự nhủ sẽ không làm má buồn thì lại vô tình làm má nhiều lần buồn hơn nữa. Ví như cố gắng làm việc thiệt nhiều, ráng kiếm nhiều tiền để khẳng định với má rằng con má đã lớn rồi, trưởng thành rồi, hổng ăn bám má nữa đâu. Rốt cuộc lại làm má buồn bởi tụi bây đủ lông đủ cánh rồi đâu cần má lo chi nữa. Ví như mua một bộ đồ đẹp tặng má mà má càu nhàu mua chi tốn tiền dữ bây, đi làm cực khổ mà xài tiền hoang phí quá vậy. Nhiều khi dịp lễ chẳng thể về thăm má, muốn gọi điện tiệm hoa đặt mang tới một giỏ hoa thiệt đẹp để tặng má mà lại sợ má la xài tiền hoang phí nên đành gửi tặng má ít tiền vào tài khoản. Mỗi thứ một ít vậy cộng dồn lại, tới hồi nhớ ra chợt giật mình sao làm má buồn nhiều dữ vậy.

Bữa chị hai gọi biểu có gì thì có cũng sắp xếp thời gian về chơi với má. Tụi bây làm ăn có thành ông này bà nọ thì cũng phải năm dành năm ba ngày về sum họp gia đình chớ. Má còn sống mà còn vầy, mốt má chết rồi chắc tụi bây chẳng bao giờ về luôn quá. Nghe điện thoại xong mà cả tối trằn trọc hoài chẳng ngủ được. Từ hồi mấy chị em lấy chồng người một ngả cái sợi dây tình thân bắt đầu mòn dần đi. Rồi sau khi ba mất, cái sợi dây gắn kết gia đình cứ một ngày một teo nhỏ lại, chực đứt đi bất cứ lúc nào. Chị nói đúng thiệt chớ, chắc có một ngày sợi tình thân đó đứt thiệt. Người ta chẳng thường nói: Cha mẹ còn, nhà là nơi để về, khi cha mẹ mất, nhà chỉ là nơi để đến đó sao. Mới nghĩ tới đó đã sụt sịt nước mắt. Đời người tưởng dài hóa ra chỉ mấy mươi năm. Má cũng đã ngót bảy mươi, cái ngày về với đất cũng chẳng còn xa nữa.

Vậy mà má nào có lo cho sức khỏe của má đâu, hễ cứ nghe tin đứa nào đau bệnh là lại gọi điện, lại giục đi khám đi con ơi, hổng có tiền má gửi cho. Biểu má ơi thôi má đừng có ngồi lo con cái nữa, má đi chơi đi, du lịch đi, hông thì tham gia hội phụ nữ đi tập thể dục, đi chùa cho khuây khỏa. Cả đời má vất vả lo cho con cái rồi, giờ cứ thong thả mà sống mà hưởng thụ mớ gì cứ lo con cái miết chi. Má cười hiền tính má hay lo hồi đó giờ biết làm sao được. Rồi lại khoe đàn gà mấy chục con đã nhổ giò hơn ký lô rồi chờ tụi bây về ăn. Nghe sao thương quá chừng, đành hứa với má cuối tháng tụi con sắp xếp về chơi. Vậy thôi mà má vui lên hẳn. Cứ vài ngày lại gọi hỏi chừng nào về bây để biết chuẩn bị đồ ăn.

Tính má mấy chục năm rồi chẳng thay đổi. Bao giờ cũng lo cho chồng cho con như vậy. Với má cái bữa cơm gia đình nó quan trọng dữ lắm. Làm gì làm hễ nghe con cháu về là phải chuẩn bị đồ ăn thức uống như thể đám giỗ đám quẩy vậy. Biểu thôi má ơi bày biện nấu chi cho cực, để tụi con mua gì đem về cho rồi. Má nộ mua chi tốn kém, vườn nhà thiếu gì đồ ăn. Nấu nướng một xíu mà mấy đứa nhỏ nó ăn ngon. Chợt hiểu ra đó là niềm vui của má. Niềm vui được nấu cho con cháu ăn. Niềm vui được thấy con cháu đủ đầy quây quần bên mâm cơm. Với người già còn niềm vui nào hơn vậy nữa đâu.

Một chiều mưa bất chợt, núp mưa nơi mái hiên nhà ai, chợt thấy trên đường một người mẹ trẻ còng lưng cố đạp xe cho nhanh, mặc cho mưa ướt hết quần áo, sau yên xe là đứa con nhỏ co ro trong chiếc áo mưa mỏng tang loại mặc một lần. Thì ra người mẹ đã nhường tấm áo mưa duy nhất cho con mình. Đối với mẹ, con là tất cả, luôn luôn giành phần thiệt thòi về mình nhường lại tất cả tốt đẹp cho con. Chợt thấy sống mũi mình cay cay, nhớ má, nhớ mâm cơm đầy ắp món ngon mà má chỉ nhìn con cháu ăn, ngồi kể chuyện phiếm rồi cười tươi rói như màu nắng đầu ngày…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chieu-mua-nho-ma-110121.html