Chiều nay tuyên án 19 bị cáo đại án gang thép Thái Nguyên

Sau hơn một tuần xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 19 bị cáo trong vụ đại án gang thép Thái Nguyên.

Theo thông báo, 15 giờ chiều nay (20-4), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án đối với các bị cáo trong vụ đại án gang thép Thái Nguyên.

19 người là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), bị xét xử về một trong hai tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

VKS đề nghị án cao nhất 11 năm tù

Trong phần tranh luận, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu TGĐ TISCO) 10-11 năm tù, Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TISCO) 9-10 năm tù, Mai Văn Tinh (cựu chủ tịch HĐQT VNS) 6-7 năm tù, Đậu Văn Hùng (cựu TGĐ VNS) 3-4 năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 1 đến 9 năm tù về cùng tội danh nêu trên hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo VKS, dù biết rõ Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng và đề nghị các điều khoản vô căn cứ, các bị cáo tại TISCO và VNS vẫn đồng ý đề xuất điều chỉnh chi phí dự án, trong đó có việc tăng tổng mức đầu tư từ hơn 3.800 tỉ đồng lên tới hơn 8.100 tỉ đồng.

Hành vi của các bị cáo dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỉ đồng. Hành vi này còn tác động gián tiếp, làm gánh nặng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đến nay, dự án vẫn đang trong tình trạng không thể tiếp tục thực hiện mặc dù Chính phủ cùng các bộ ngành, VNS và TISCO đã tìm nhiều phương án tháo gỡ.

Bị cáo Mai Văn Tinh, cựu chủ tịch VNS

Bị cáo Mai Văn Tinh, cựu chủ tịch VNS

Luật sư xin đổi tội danh, “truy” Bộ Công thương

Bào chữa cho 19 bị cáo, nhiều luật sư đưa ra các căn cứ xin giảm nhẹ, xin đổi tội danh hoặc tuyên thân chủ không phạm tội. Một số còn đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương liên quan đến việc dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên bị dừng triển khai.

Điển hình, luật sư của ông Trần Trọng Mừng dẫn lời khai từ các bị cáo cho thấy một thứ trưởng Bộ Công thương trực tiếp ký văn bản giới thiệu Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thi công phần C và khẳng định đây là doanh nghiệp của bộ, có năng lực tốt.

Vì vậy, tránh nhiệm chính trong việc giới thiệu nhà thầu phụ không đủ năng lực phải thuộc về Bộ Công thương, TISCO và VNS chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới.

Hay như luật sư bào chữa cho ông Đồng Quang Dương (cựu PGĐ Ban quản lý dự án), vị này cho rằng vì Bộ Công thương có văn bản giới thiệu và xác nhận năng lực của VINAINCON nên TISCO và MCC mới ký hợp đồng nhà thầu phụ.

Nữ luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ nhằm làm rõ trách nhiệm của Bộ Công thương cũng như VINAINCON.

HĐXX sẽ tuyên án vào 15 giờ chiều nay

HĐXX sẽ tuyên án vào 15 giờ chiều nay

Nguyên đơn dân sự không đòi bồi thường

Một diễn biến đáng chú ý, TISCO được triệu tập tới tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự. Trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị tuyên các bị cáo liên đới bồi thường 830 tỉ đồng cho công ty này.

Tuy nhiên, quá trình xét xử, đại diện TISCO có mặt tại tòa nhiều lần cho biết công ty từ trước đến nay không hề có đơn khởi kiện hay yêu cầu bồi thường, kể cả khi ra tòa cũng không có.

Thậm chí, khi HĐXX nhấn mạnh “đơn chỉ là thủ tục mà thôi”, đại diện TISCO vẫn khẳng định không yêu cầu bồi thường.

“TISCO là công ty cổ phần trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà nước chiếm 68% và có đại diện vốn chủ sở hữu tại công ty. Do vậy thiệt hại này là thiệt hại của nhà nước, là tiền thuế của dân. Đồng ý hay không đồng ý trong trường hợp này, không có ý nghĩa" – HĐXX nói.

HĐXX tiếp tục hỏi việc không yêu cầu bồi thường đã được thông qua HĐQT hay chưa? Vị đại diện cho biết “đến thời điểm này chưa thông qua”.

Thấy vậy, HĐXX truy vấn rằng theo Luật Doanh nghiệp, những gì liên quan đến quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp cổ phần đều phải được thông qua HĐQT. “Đây là khoản tiền lớn, có cả phần vốn nhà nước, lý do gì chưa thông qua HĐQT mà đã quyết định?” – HĐXX hỏi. “Trong phạm vi ủy quyền, tôi chỉ biết trình bày vậy, còn vì sao thì TISCO sẽ có văn bản” – vị đại diện nói.

VNS xin giảm nhẹ cho các bị cáo

Trình bày tại tòa, đại diện VNS nói các bị cáo trong vụ án đều đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hành vi phạm tội diễn ra trong bối cảnh dự án gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ tâm nguyện muốn dự án sớm đi vào hoạt động.

Quá trình giải quyết vụ án, VNS đã có rất nhiều văn bản xin giảm nhẹ cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của tổng công ty. Hiện nay, một số bị cáo đã cao tuổi, sức khỏe yếu, từng có nhiều cống hiến, “là thế hệ vàng của ngành thép Việt Nam”… Do đó, đại diện VNS mong muốn HĐXX cân nhắc, tuyên bản án hợp tình hợp lý.

Về thiệt hại, đại diện VNS cho hay tôn trọng các yêu cầu của TISCO với tư cách nguyên đơn dân sự. Trong phạm vi ủy quyền tại tòa, vị đại diện không có ý kiến gì.

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chieu-nay-tuyen-an-19-bi-cao-dai-an-gang-thep-thai-nguyen-979874.html