Chiều nay tuyên án ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh
Sau 3 ngày nghị án, chiều nay 15-3, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án đối với ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm về những sai phạm xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ.
Dự kiến 16 giờ chiều nay 15-3, TAND TP Hà Nội sẽ ra phán quyết sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp dầu khí (PVC) cùng 10 bị can khác trong sai phạm xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ.
Tại phiên tòa, theo cáo buộc của VKSND, bị cáo Đinh La Thăng bị cáo buộc có vai trò chính trong việc thực hiện tội phạm. Bị cáo này vừa là người đề ra chủ trương vừa chỉ đạo cấp dưới thực hiện tội phạm.
Ngoài ra, ông Đinh La Thăng biết PVC không đủ năng lực thi công dự án Ethanol Phú Thọ do Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) là chủ đầu tư. Tuy nhiên, bị cáo này vẫn lợi dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới bằng bút phê và chủ trì các cuộc họp, buộc PVB chỉ định thầu cho PVC, dẫn đến PVC phải dừng thi công, gây thiệt hại 543 tỉ đồng.
Tại tòa, ông Đinh La Thăng và các luật sư bào chữa cho rằng, PVB là chủ đầu tư nên theo quy định của pháp luật, chỉ có PVB mới có thẩm quyền quyết định đầu tư, quyết định lựa chọn nhà thầu để xây dựng nhà máy; ông Thăng chỉ có chủ trương và chỉ đạo chỉ định thầu thông qua người đại diện phần vốn tại các đơn vị thành viên của PVN. Việc chỉ định thầu cuối cùng vẫn phải do PVB quyết định và chịu trách nhiệm, ông Thăng không có trách nhiệm trong việc này.
Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng cũng cho rằng, PVB độc lập trong việc quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu. Việc xem xét, thẩm định, đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu để chỉ định thầu là do PVB thực hiện và quyết định.
Đối Trịnh Xuân Thanh, VKSND cho rằng bị cáo biết liên danh nhà thầu không đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư nhưng vẫn ký văn bản đề nghị PVB hạ một số tiêu chí đấu thầu. PVC nhận thức được đơn vị không có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án nhưng tiếp nhận chỉ đạo từ phía PVN khi chỉ định thầu.
"Quá trình xét hỏi, bị cáo cũng không nhận tội và khai báo thiếu thành khẩn. Các bị cáo có sự thống nhất, câu kết với nhau khi phạm tội. Đây là vấn đề lợi ích nhóm tiêu cực" - đại diện VKSND nhận định.
Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh liên tục khẳng định nguyên nhân khiến dự án Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công là do "thiếu tiền", chứ không phải do PVC thiếu năng lực. Ngay từ đầu bị cáo này đã có báo cáo về việc dự án không thể triển khai với mức giá 59 triệu USD nhưng chủ đầu tư là PVB vẫn giữ nguyên mức đó nên PVC quyết định làm.
Ngoài dự án nêu trên, VKSND còn cáo buộc Trịnh Xuân Thanh vì mục đích muốn mua khu đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nên làm trái quy định, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỉ đồng. Riêng bị cáo hưởng lợi 3 tỉ đồng.
Trước đó, VKSND đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Đinh La Thăng mức án 12-13 năm tù (tổng hợp hình phạt với các bản án trước, buộc bị cáo chấp hành hình phạt 30 năm tù) vì tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đề nghị từ 11-12 năm tù và thêm 10-11 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt từ 21-22 năm tù (tổng hợp hình phạt các bản án trước mức án tù chung thân). Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất 30-36 tháng tù, cao nhất mức 7-8 năm tù.