Chiếu phim trên tuyến lửa

Trong kháng chiến chống Mỹ, Liên đội Điện ảnh thuộc Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã đưa phim ảnh, sách báo thời sự, văn nghệ đến hầu khắp đơn vị thuộc tổng cục, không chỉ ở miền Bắc và còn vào hết dải đất miền Trung, trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, với hàng trăm lượt vượt trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ.

Hết lòng phục vụ bộ đội

Cựu chiến binh (CCB) Đăng Trầm, nguyên cán bộ tuyên truyền văn hóa của Liên đội Điện ảnh (thời kỳ cuối những năm 60 của thế kỷ trước), nhớ lại: “Hồi ấy, hoạt động phim ảnh của TCHC đặc biệt ưu tiên các đơn vị ở tuyến lửa. Bởi ở đó, cán bộ, chiến sĩ vô cùng gian nan, vất vả, lại “đói” đời sống tinh thần. Thế nhưng, chặng đường phục vụ bộ đội thì vô cùng khó khăn, có khi phải trả bằng máu”.

Mùa hè năm 1968, Đội phim số 4, gồm 4 người trên chiếc xe chuyên dụng, vào phục vụ các đơn vị hậu cần ở miền Trung. Sau khi hoàn thành 5 buổi chiếu ở huyện Nam Đàn (Nghệ An), đội về xã Nam Thanh tập kết, chờ đêm xuống để vượt trọng điểm Truông Bồn, sang các đơn vị bên huyện Đô Lương. Trong giây phút yên tĩnh hiếm hoi, đội phim gặp hai chiến sĩ trẻ măng, lái xe tải chở hàng quân sự đỗ trước xe của đội. Không ai bảo ai, hai bên đối xử với nhau như anh em trong nhà, chia từng mẩu thuốc lá, miếng lương khô. Một chiến sĩ ở xe tải lấy bi đông nước chè, vui vẻ mời các đồng đội: “Hội Mẹ chiến sĩ nấu cho từ sáng sớm, khi chúng em qua một ngôi làng cách đây dăm chục cây số. Chè quê Bác. Anh em mình cùng thưởng thức, cho “dẻo vô lăng!".

Đội Điện ảnh (Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần) hiệu chỉnh máy chiếu trước khi chiếu phim phục vụ bộ đội.

Đội Điện ảnh (Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần) hiệu chỉnh máy chiếu trước khi chiếu phim phục vụ bộ đội.

Hoàng hôn. Đội phim nối vào đoàn xe tiến ra Đường 15A, theo chỉ dẫn của thanh niên xung phong, vượt Truông Bồn. Đường ngoằn ngoèo, gập ghềnh. Hai bên lề đường chi chít hố bom. Khi xe đội phim tới được đầu dốc Truông Bồn thì máy bay Mỹ ập đến, thả pháo sáng và ném bom. Cả vùng đồi sáng rõ như ban ngày. Bom Mỹ phá nát một quãng đường dài. “Hai chiến sĩ cùng chiếc xe tải mà chúng tôi vừa gặp, trúng bom nằm ngang chân dốc bên kia. Bấy giờ, nỗi xót thương hai chiến sĩ và lòng căm thù giặc thôi thúc chúng tôi vượt Truông Bồn, đến nhanh với đồng đội đang mong chờ phía trước”, ông Trầm xúc động kể.

Cuối tháng 7-1968, đội phim qua phà Xuân Sơn rồi vượt đèo Đá Đẽo (nơi được mệnh danh là cái "túi đựng bom Mỹ" ở miền Tây Quảng Bình) đến phục vụ Phân kho X, Cục Quân khí (lúc đó trực thuộc TCHC), trong một khu rừng ở huyện Bố Trạch. Phân kho hôm ấy chỉ có 3 người. Cả đội phim xúm vào cùng các chiến sĩ làm nốt công việc của kho đang dở dang, rồi chiếu phim. Để người của phân kho xem phim được thông suốt, đồng chí đảm nhiệm máy nổ cùng đồng chí lái xe của đội phim chia nhau vừa canh máy bay địch, vừa gác cổng. Hai chương trình phim dài 150 phút phục vụ 3 người xem. Mở đầu và kết thúc buổi chiếu đều có lời “chào khán giả” trân trọng như chiếu phim ở những đơn vị đông người.

Chiếu phim... để trả thù cho đồng đội

Tháng 5-1972, Đội điện ảnh số 11 đi phục vụ các cơ sở hậu cần trên đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Đó là đợt chiếu phim để lại ấn tượng đặc biệt. Tất cả các buổi chiếu chỉ có hai người thực hiện. Lái xe kiêm vận hành máy nổ. Thợ máy chiếu kiêm thuyết minh. Những khi đang chiếu phim mà máy bay Mỹ đến quấy nhiễu, hai anh em phải đôn đáo xử lý mọi việc. Sau mỗi buổi chiếu lại tất bật thu dọn phông, bạt ngụy trang, máy nổ, loa phóng thanh... Anh em đơn vị cũng giúp đỡ tận tình.

Một lần, buổi chiếu phải ngừng hai, ba bận để tránh máy bay. Lúc kết thúc đã 11 giờ đêm. Đang thu dọn thì mưa rừng ập đến. Đồng chí lái xe bị cảm lạnh, sốt 39 độ. Đơn vị cứu chữa kịp thời. Ai cũng thắc mắc, sao mà đi chiếu phim ở tuyến lửa lại chỉ có hai người. Hai anh em sợ các chiến sĩ cả nghĩ nên trả lời gọn: “Liên đội có nhiệm vụ tăng cường, nên phải rút bớt người".

“Sự thật là, chuyến ấy 3 người đi. Nhưng trên đường vào chiếu phim cho một đơn vị ở đập Đồn Húng, huyện Yên Thành (Nghệ An), thì gặp máy bay Mỹ đánh bom. Ba anh em vừa ra khỏi xe, anh Đào Văn Nghĩa, chiến sĩ thuyết minh phim bị mảnh bom văng trúng đầu, hy sinh. Đồng chí lái xe và thợ máy chiếu cùng với nhân dân địa phương mai táng anh Nghĩa chu đáo. Xong, tiếp tục hành quân, quyết tâm hoàn thành trọn vẹn đợt chiếu như kế hoạch đã định, để phục vụ đơn vị và trả thù cho đồng đội”-kể đến đây, ông Trầm nhìn xa xăm về phương Nam, mắt ngân ngấn đỏ.

Thành công của những đợt chiếu phim nơi tuyến lửa của Liên đội Điện ảnh đã được đền đáp xứng đáng khi được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đại tá Vũ Đình Hoan, Chủ nhiệm chính trị TCHC thập niên 1970-1980, từng khẳng định: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Điện ảnh TCHC thực sự là người lính xung kích trong bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần, động viên các chiến sĩ hậu cần nơi tuyến lửa vượt lên khó khăn, gian khổ, ác liệt, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975”.

Theo yêu cầu nhiệm vụ, hiện TCHC chỉ còn một đội điện ảnh thuộc biên chế Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị. Phương tiện kỹ thuật, công nghệ chiếu phim cũng đổi mới, hiện đại vượt bậc. Tuy nhiên, mỗi bước đi của đội đều kế thừa tinh thần tất cả vì bộ đội, vì tuyến trước, cũng như bản lĩnh, ý chí quyết vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Liên đội Điện ảnh năm xưa.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/chieu-phim-tren-tuyen-lua-658284