Chiều quê...

Nắng ngày cuối năm có vẻ dịu dàng, cứ thả nhẹ xuống, không gay gắt, chẳng quá nóng. Ánh nắng vương vít trên cành lá, thả xuống sân, phủ nhẹ lên mái nhà như dát vàng, làm cho cảnh quê có phần yên ắng.

Chiều cuối năm không lạnh, bởi vừa trải qua một đợt rét kéo dài. Năm nay rét đến sớm, miền núi nhiệt độ xuống thấp thường 4 - 5 độ C, vẫn chưa có tuyết. Ở đồng bằng và Thủ đô Hà Nội nhiệt độ thấp cũng chỉ dao động từ 17 - 18 độ C, cao cũng từ 22 - 23 độ C.

Trời rét như vậy, ở miền núi cao thì khá lạnh đối với người già, em nhỏ... Cần phải có biện pháp để chống rét. Còn ở đồng bằng thì người cao tuổi là những người được phòng chống rét tốt hơn. Trẻ em thì dư áo ấm, khăn quàng nên rét thế này khắc phục cũng dễ dàng, để đảm bảo an toàn về sức khỏe; Đặc biệt hơn là trẻ em, do dịch COVID-19 kéo dài, chúng học qua online ở nhà là chính, ít hoặc không tụ tập đến trường, không ra đường nên an tâm về mặt sức khỏe...

Ở trên đê sông Hồng (khu vực TP. Hưng Yên), nay đã thành đường sá giao thông khá tốt, do toàn bộ mặt đê được đổ bê tông, việc đi lại dễ dàng hơn. Mới 14-15h mà đã có nhiều người đi bộ thể dục. Họ đi thành từng tốp 4-5 người, ít cũng 2-3 người. Với bộ đồ thể thao và mang những đôi giày vải đen hay trắng gọn gàng chắc khỏe. Chủ yếu là những người còn trẻ, nhưng cũng có những người cao tuổi đi bộ kiểu này, để luyện rèn sức khỏe, tuy vậy số lượng cũng không thật nhiều...

Nắng thả xuống trông thật đẹp. Vùng quê có vẻ yên bình. Đất bãi bạt ngàn một vùng phù sa màu mỡ, được tạo nên cả mấy ngàn năm về trước, thôi thúc người dân mở ấp, lập làng, khai khẩn đất đai đưa vào sản xuất. Trước kia (hơn 50 năm về trước), đất bãi sông Hồng nhiều bờ vùng, bờ thửa, cây lau sậy mọc um tùm. Muốn có vụ ngô khoai năng suất thì người nông dân mất rất nhiều công sức để chặt bỏ lau sậy cho quang, rồi mới cầy bừa, vun xới...

Lau sậy là những cây mọc khỏe, thân thẳng có đốt, thường cao từ 1,5 - 2m to như ngón tay, nhỏ thì cũng bằng cái đũa, thân cứng, lá nhọn sắc. Người ta chặt, bó thành từng bó rồi vận chuyển về làm chất đốt, chất đống, đun dần. Thời kỳ này nhà nhà đun củi, người người dùng bếp củi. Nấu cám, nuôi lợn thì rất tốn củi; thời kỳ này không đun gas hay điện nên rất cần chất đốt là cây đay, cây ngô hay các cây cỏ lau sậy.

Dần dần, lau sậy cũng nhường chỗ cho các loại rau màu, cây ăn trái như cam, chuối, ổi, táo, nhãn v.v... như ngày nay. Đời sống người dân được nâng lên, quê hương cũng thay da, đổi thịt từng ngày. Hệ thống đường giao thông được đầu tư làm lại và làm mới, đem lại sự lưu thông hàng hóa rất thuận tiện. Nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu dân cư mọc lên. Nhiều nhà cửa được xây mới với những mái ngói đỏ tươi hay xanh lam, trông đẹp mắt. Ở các trục đường mới, người ta xây nhà theo kiểu phố xá. Có đèn cao áp chiếu sáng về đêm, nên tối khuya đi lại cũng dễ dàng. Đời sống người dân được nâng cao đều nhờ vào sự đầu tư làm đường giao thông và đường điện phục vụ sản xuất và đời sống...

Tôi đứng trên đê sông Hồng, nhìn bao quát xa xa. Một vùng quê đang được hồi sinh. Thuở chúng tôi còn nhỏ, ai xây được nhà 3-4 gian lợp ngói, lát được cái sân đã coi như giàu lắm, còn chủ yếu vẫn là nhà tranh, vách đất. Những bụi tre um tùm cạnh ngõ vào nhà, bên cạnh đó là những con trâu bò nằm trệu trạo nhai cỏ. Đường đất thì lầy lội nhất là vào tháng hai mưa phùn. Mặt đê cũng thế, đi bộ đã khổ, đi xe đạp còn khổ hơn vì bánh xe dính chặt bùn đất.

Lúc này xe máy cực hiếm, ô-tô cũng không nhiều, chủ yếu là những chiếc ô-tô khách đã cũ kỹ, chở khách từ Hưng Yên lên Hà Nội và ngược lại, ngày mấy chuyến theo quốc lộ 39B. Ai có việc đi xa, là cả một sự khó khăn vất vả. Mặt đê sông Hồng nhiều đoạn bùn lầy thành vũng do trâu bò quần đảo, thương cho những bà già nhà quê đi chợ xa, phải gánh những gánh rau nặng mải miết từ nhà đến chợ...

Giờ đây, đứng nhìn xuống phía Nam, so với hơn 50 năm về trước, tôi không còn nhận ra quê mình nữa, tất cả đã đổi thay. Con người và cảnh vật đã khác xưa, tre trúc không còn. Ao chuôm đã lấp hết để người ta làm nhà và làm các công trình khác. Nhiều nhà xưởng sản xuất và làm dịch vụ mọc lên khang trang còn đẹp hơn khu phố cũ ở Hà Nội...

Chiều cuối năm để lại nhiều cảm xúc nao nao. Năm mới 2022 đã tới. Một năm đầy hứa hẹn cũng đầy thách thức do dịch COVID-19 gây ra; đã cản trở việc làm ăn, đi lại, lưu thông hàng hóa và học tập. Tuy nhiên, việc tiêm chủng vaccine đã và đang diễn ra ở diện rộng, đã góp phần chống lại dịch bệnh. Chúng ta tin tưởng vào thành tựu khoa học của các nước phát triển đang nghiên cứu để sản xuất ra thuốc điều trị COVID-19 cung cấp có hiệu quả cho nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam thì số người tử vong sẽ giảm đi khi bị nhiễm bệnh. Các nước đã chia sẻ vaccine cho ta như Mỹ, Anh, Đức, Úc v.v... đã giúp Việt Nam tăng cường hơn trong việc chống lại đại dịch bệnh Corona virus...

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cái tết cổ truyền của dân tộc với bao niềm vui lại trở về. Cái tết sẽ làm ấm lòng những người con xa quê trở về đất mẹ, với an vui hòa thuận, mang đầy nét văn hóa, nhân văn. Ăn tết để nhớ về tổ tiên, nhớ về nguồn cội, nhớ về những đấng sinh thành, ngẫm lại những được mất trong cuộc đời. Tẩy rửa những cái xấu, phát huy cái tốt để con người phát triển tốt đẹp hơn...

Mặt trời cứ sà xuống, ánh nắng như vỡ vụn, tan dần. Sương bắt đầu buông xuống, bảng lảng như khói bay. Đèn phố đã bật sáng. Những tiếng hát từ những chiếc loa thùng bắt đầu cất lên. Người đi làm lục tục trở về. Cảnh chiều tối vùng quê êm đềm như sống lại để rồi chìm vào giấc ngủ say nồng. Miền quê yên bình lại an vui trong tiềm thức mỗi con người. Để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với những người đi xa...

Nguyễn Việt Tiến

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chieu-que-post177982.html