Chiêu thức 'lách luật' của chủ các mỏ cát, khoáng sản
Chủ các mỏ cát, khoáng sản tại Quảng Ngãi có rất nhiều cách để lách luật, với mục đích gây khó khăn cho cơ quan chức năng, mang lại lợi nhuận cho mình.
Theo báo cáo tình hình quản lý Nhà nước về khoáng sản năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tới đây thể hiện, trong năm 2020, UBND tỉnh tiếp nhận, giải quyết 87 hồ sơ các loại về hoạt động khoáng sản.
Trong đó, cấp giấy phép thăm dò khoáng sản 6 hồ sơ, phê duyệt trữ lượng khoáng sản 10 hồ sơ, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 19 hồ sơ, giấy phép khai thác khoáng sản cấp mới 21 hồ sơ, gia hạn giấy phép khai thác 1 hồ sơ, chuyển nhượng giấy phép khai thác 1 hồ sơ, phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản 2 hồ sơ, quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản 4 hồ sơ và cấp bản xác nhận khu vực khoáng sản 23 hồ sơ. Cơ quan chức năng thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 18 tổ chức, 1 cá nhân.
Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều tổ chức có vi phạm trong hoạt động khoáng sản như: Không gửi hồ sơ giám đốc điều hành mỏ cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép, khai thác khoáng sản vượt khối lượng, ranh giới cấp phép, sử dụng khoáng sản không đúng mục đích theo giấy phép được cấp, khai thác khoáng sản không có giấy phép.
Cơ quan thanh tra, kiểm tra, phát hiện 4 tổ chức có vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Chánh thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức và 1 cá nhân với tổng số tiền phạt 180 triệu đồng.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đối với các mỏ đã chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác hoặc mỏ đã có quyết định thu hồi giấy phép, tổ chức, cá nhân chậm triển khai lập hồ sơ, thủ tục, trình phê duyệt đề án và thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản để trả lại đất cho địa phương quản lý, sử dụng.
Phó Chủ tịch tỉnh này cũng chia sẻ, trong năm 2020, UBND tỉnh đã cấp 2 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông thông qua hình thức đấu giá. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông còn hiệu lực.
Về công tác kiểm tra trữ lượng khoáng sản thực tế đã khai thác hàng năm tại các mỏ gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện việc đo vẽ lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản, thông kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.
“Các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác các mỏ cát, sỏi lòng sông thường tối đa hóa lợi nhuận, dưới nhiều hình thức. Họ thực hiện đo vẽ bản đồ hiện trạng chậm trễ thời gian so với yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, với mục đích kéo dài thời gian gần đến mùa mưa mới thực hiện đo vẽ, nhằm đối phó với việc kiểm tra thực tế độ sâu khai thác do mưa, lũ nước sông dâng lên, đo kiểm tra không được.
Các đơn vị khai báo thiếu trung thực khối lượng khai thác, không cập nhật ký, sổ sách chứng từ theo dõi; gian lận khối lượng khai thác, thường khai thác quá độ sâu cấp phép ở thời điểm gần mùa mưa và đợi cho mùa mưa lũ về, lượng cát được bồi tích trở lại… khai thác vượt trữ lượng cấp phép.
Các mỏ cát được cấp giấy phép, bán cát ra ngoài thị trường cho xây dựng dân dụng không xuất hóa đơn, nên rất khó cho công tác kiểm soát khối lượng thực tế khai thác hàng năm, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên và thất thu ngân sách Nhà nước”, ông Hiền thông tin
Theo ông Hiền, để ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND tỉnh đã có nhiều quy định rõ ràng, đặc biệt, người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra cát, sỏi lòng sông trong mùa mưa, kiểm tra xử lý các bến bãi tập kết, trữ cát không phép. Chỉ đạo công tác phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ở các địa bàn giáp ranh.