Chiêu trò lừa đảo mới lợi dụng việc sáp nhập tỉnh thành
'Cập nhật thông tin quê quán, nơi ở', 'chuyển đổi dữ liệu', 'đồng bộ hóa giấy tờ'... là chiêu trò đang được đối tượng lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập các tỉnh thành tung ra nhằm chiếm đoạt tiền, thông tin của người dân.
Từ ngày 1/7/2025, sau khi sáp nhập tỉnh thành, 34 đơn vị hành chính và nhân sự mới chính thức đi vào hoạt động. Ngay lập tức, các đối tượng xấu đã lợi dụng thông tin để tung ra “chiêu trò” mới để lừa đảo người dân.

Công an cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới của các đối tượng xấu nhân sáp nhập tỉnh, thành phố (Ảnh chụp màn hình)
Trong ngày 1/7, nhiều người dân trên địa bàn phường Phương Liệt, Hà Nội nhận được cuộc gọi tự xưng là công an địa phương liên hệ báo phải tích hợp thông tin giấy tờ mới vào hệ thống VNeID. Tuy nhiên, đối tượng lại yêu cầu vào VneID theo đường link/cài phần mềm tải trên kho ứng dụng.
“Sáng ra tôi thấy cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Tôi nghe máy, đầu dây bên kia tự xưng là công an địa phương, liên hệ báo phải tích hợp thông tin giấy tờ của con tôi vào ứng dụng VNeID, vì sau ngày 1/7 là sáp nhập phường xã sẽ có nhiều thay đổi. Thường với những cuộc gọi như thế này tôi sẽ nhanh chóng cúp máy, nhưng đúng là đang thời điểm sáp nhập tỉnh thành cũng như quận huyện nên tôi mới nửa tin nửa ngờ. Sau khi thấy tôi có vẻ giảm bớt nghi ngờ, người này lại tiếp tục cho tôi số điện thoại của cán bộ hành chính công để hẹn lịch làm việc. Kiểm tra lại thông tin từ hàng xóm thì xác định đây là hình thức lừa đảo nên không tiếp tục làm theo hướng dẫn của những người này”, chị Nguyễn Thị Hoa kể lại.
Còn với bà Lã Phương Thanh ở phường Phương Liệt khi nhận được yêu cầu tải phần mềm từ đường link của đối tượng xưng là cán bộ hành chính công chuyển mới cảm thấy giật mình.
“Chúng tôi già không hiểu biết lắm việc dùng điện thoại thông minh. Con cái thường xuyên nhắc nhở tôi, cán bộ nào cũng thế, cứ hỏi thông tin cá nhân cụ thể hay yêu cầu tải mới, bấm vào cái gì cũng không được. Khi nghe “cán bộ” yêu cầu vậy tôi mới giật mình. Ra công an phường hỏi, các chú mới nói đấy là lừa đảo. Ngày hôm nay có mấy trường hợp ra báo cáo với công an rồi”, bà Thanh cho hay.
Công an phường Phương Liệt sau khi ghi nhận thông tin từ người dân đã cảnh báo rộng rãi trên nhóm cư dân của phường. Theo đó, công an phường Phương Liệt thông báo: “Việc cập nhập thông tin theo địa giới hành chính mới như hộ khẩu, nơi đăng ký khai sinh, quê quán trên app VNeID (định danh mức 2) sẽ được Bộ Công an tự cập nhật cho người dân. Tất cả các số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu người dân cập nhật, gửi đường link lạ đều là do các đối tượng lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập để nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân. Vì vậy mong bà con hết sức cảnh giác!”.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chongluadao.vn
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chongluadao.vn, nhận định: “Hiện tượng lợi dụng sự kiện sáp nhập tỉnh thành là một môi trường lý tưởng để các đối tượng lừa đảo tái diễn chiêu trò của mình, dưới danh nghĩa “cập nhật thông tin”, “chuyển đổi dữ liệu”, “đồng bộ hóa giấy tờ”. Bên cạnh các hình thức lừa đảo cập nhật VNeID, điện lực đã được cảnh báo, nhiều chiêu trò đang diễn ra, gồm: dọa ngắt điện, nước, internet nếu không làm theo hướng dẫn và dẫn dụ người dân vào link độc hại hoặc app giả mạo”.
Chuyên gia cảnh báo, trong thời gian tới, các hình thức lừa đảo khác có khả năng xuất hiện, như lừa đăng ký lại quyền sở hữu đất đai, nhà cửa (sổ đỏ, sổ hồng); giả danh cơ quan nông nghiệp - môi trường yêu cầu người dân cập nhật địa chỉ hành chính mới, sau đó thu phí “hỗ trợ làm nhanh”; lừa đảo hỗ trợ chuyển đổi biển số xe, giấy phép lái xe. Cụ thể, bọn lừa đảo có thể tạo kịch bản như: “Sáp nhập tỉnh làm phải đổi mã vùng, từ đó đổi biển số/giấy phép” nhằm lừa người dân nộp tiền “lệ phí chuyển đổi” qua ví điện tử hoặc tài khoản cá nhân.
Ngoài ra còn nhiều chiêu trò mạo danh khác như giả danh cơ quan thuế, UBND để thu phí; dùng app giả mạo VNeID hoặc website giả cổng dịch vụ công để lấy OTP; “cập nhật” hoặc “chuyển đổi” ngân hàng…
Nguy cơ lộ dữ liệu khi “khoe” ảnh chụp “quê quán mới” trên VNeID
Sau khi cập nhật thông tin địa phương, nhiều người dùng đã vô tư chụp màn hình ứng dụng VNeID để chia sẻ thông tin quê quán mới sau sáp nhập tỉnh thành mà không làm mờ dữ liệu quan trọng.
Từ ngày 1/7/2025, người dân có thể vào ứng dụng VNeID để xem chi tiết về địa chỉ, quê quán sau khi sáp nhập. Thay vì hiển thị thông tin theo cấu trúc xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố như cũ, địa chỉ được chỉnh sửa theo quy chuẩn mới. Sáng cùng ngày, ứng dụng VNeID cũng đã có bản cập nhật phần mềm trên thiết bị di động, bổ sung thông tin và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của người dùng.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia
Trên mạng xã hội, không ít chủ tài khoản đã chụp màn hình giao diện VNeID phần “Thông tin cư trú” và khoe với bạn bè, thậm chí có người để ở chế độ “Công khai” bài đăng để cho thấy sự thay đổi ở mục “Quê quán”. Với không ít người ở các địa phương đã sáp nhập và đổi tên, chi tiết “Quê quán” nay đã được cập nhật theo tên mới.
Nhiều người sử dụng internet cũng chia sẻ và hướng dẫn mọi người cách xem thông tin địa phương, quê quán mới, nhưng không có cảnh báo về việc đừng chia sẻ các nội dung, dữ liệu nhạy cảm công khai lên không gian mạng.
Trao đổi với VOV.VN, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết, việc người dùng hào hứng chia sẻ hình ảnh căn cước công dân (CCCD) lên mạng xã hội sau khi được cập nhật về nơi thường trú mới theo địa giới hành chính mới có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.
Với sự phát triển của công nghệ nhận diện hình ảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ thống có thể tự động phân tích ảnh và thu thập thông tin từ hình ảnh, từ đó có được thông tin về địa chỉ, thậm chí cả số CCCD của người dùng nếu không che kỹ. Các dữ liệu này có thể được sử dụng để xây dựng hồ sơ cá nhân, phục vụ cho việc giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc mạo danh làm các giấy tờ giả.
“Người dân tuyệt đối không đăng ảnh CCCD, bằng lái, thẻ ngân hàng… lên mạng. Hãy che kỹ các thông tin như số CCCD, địa chỉ, mã QR. Đồng thời, nên kiểm tra kỹ các quyền riêng tư khi đăng bài và luôn cảnh giác với các liên hệ bất thường sau khi thông tin bị lộ lọt”, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn khuyến nghị.
Hiện nay, lộ lọt dữ liệu cá nhân và lừa đảo, trục lợi từ thông tin người dùng đang là vấn đề nhức nhối, có dấu hiệu ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Công an, nhận thức của người dân và doanh nghiệp Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay còn rất hạn chế. Nhiều thông tin quan trọng như sinh trắc học, lý lịch, sức khỏe, tài chính vẫn được người dùng công khai trên mạng xã hội, tạo cơ hội cho các chương trình thu thập tự động, làm gia tăng rủi ro lạm dụng dữ liệu cá nhân.