Chile hủy Thượng đỉnh APEC ảnh hưởng gì tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung?
Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố nước này sẽ không đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh năm 2019 của tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tháng 11 và Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25) trong tháng 12. Điều này được cho sẽ tác động không hề nhỏ tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Tổng thống Sebastian Pinera cho biết: “Đây là quyết định rất khó khăn, khiến chúng tôi đau khổ bởi chúng tôi hiểu tầm quan trọng của APEC và COP-25 đối với Chile và thế giới”. Chile quyết định không đăng cai tổ chức do tình trạng biểu tình và bạo động diễn ra khó lường trong nước.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết ông Pinera đã hoàn toàn đúng về tầm quan trọng của hai sự kiện này. Vấn đề nằm ở chỗ Santiago chính là địa điểm để Mỹ cùng Trung Quốc đang hướng tới để trao đổi và thậm chí ký thỏa thuận thương mại.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết đến thời điểm này cả Trung Quốc và Mỹ đều lạc quan rằng sẽ đạt được thỏa thuận tạm thời. Tuy nhiên, chính diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lại khiến công chúng chuẩn bị để đón nhận những điều bất ngờ.
Trung Quốc và Mỹ sẽ phải lựa chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh mới, tại một địa điểm mới, cho việc ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”.
Sau tuyên bố của Tổng thống Chile, ông Trump đã lên mạng xã hội Twitter và khẳng định rằng Trung Quốc cùng Mỹ đang hợp tác để tìm địa điểm mới cho việc ký kết thỏa thuận “giai đoạn 1” mà ông miêu tả “chiếm 60%” thỏa thuận toàn diện. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cho biết địa điểm mới tổ chức hội nghị APEC sẽ sớm được công bố. Theo kế hoạch ban đầu, Hội nghị Thượng đỉnh APEC-2019 dự kiến được tổ chức tại Chile từ 16-17/11.
Về phần Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này – ông Trịnh Sảng - nêu rõ: “Trung Quốc thấu hiểu và tôn trọng quyết định của Chile, đồng thời tin rằng chính phủ cùng người dân Chile có năng lực bảo vệ ổn định và hòa bình xã hội Chile cũng như khôi phục lại trật tự trong nước càng sớm càng tốt”.
Việc ngưng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC không chỉ tác động tới chính sách về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc mà còn nhiều sự kiện khác. Một ví dụ là Thủ tướng Shinzo Abe kỳ vọng về cuộc họp quan trọng khác với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại APEC.
Trong những năm gần đây, APEC đóng vai trò quan trọng trong khía cạnh ngoại giao và tạo điều kiện để tổ chức các cuộc gặp song phương bên lề quan trọng giữa lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên.
Ngày 30/10, Tổng thống Chile Sebastian Pinẽra tuyên bố nước này sẽ rút khỏi việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 25) sắp tới do cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại nước này.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Pinera nhấn mạnh sau khi biểu tình kéo dài hơn 10 ngày, Chile đã quyết định rằng nước này không còn phù hợp để tổ chức Hội nghị APEC dự kiến diễn ra vào ngày 16-17/11 tới và COP 25 vào ngày 2-13/12 tới tại thủ đô Santiago.
Chile đã rơi vào một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng sau khi chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinẽra quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm, tạo cớ để các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu tình phản đối những chính sách xã hội bất công, cũng như những bất bình đẳng xã hội mà mô hình kinh tế của Chile tạo ra.
Các cuộc biểu tình đã kéo dài 11 ngày, kèo theo bạo loạn, cướp phá siêu thị và các cơ sở kinh doanh, đốt phá các ga tàu điện ngầm đã buộc chính pủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 3.000 người bị bắt giữ.