Chim bay về giữa đồng chiều

Khi làn gió đô thị hóa đã thổi đến nhiều làng quê thì vùng ngoại thành Hà Nội vẫn chứa đựng những 'kho báu' mà trong ngột ngạt phố xá người ta vẫn thèm ước.

Cảnh sắc làng quê vỗ về mỗi ai thích khám phá và tìm về sống trong những điều giản dị. Về gặp diệp lục. Về gặp đồng và những hàng cây, cánh chim bình thản vẽ màu. Có thể đó là một diễm phúc khi giữa đồng chiều ngoại thành, bạn gặp đàn cò về phủ màu trắng lên nền cây hoa màu bạt ngàn. Một khung cảnh tuyệt đẹp được phối bằng những thành tố của thiên nhiên. Mây chiều hơi ửng đỏ, cò trắng, đồng xanh, còn cảm xúc thì tươi mới, được rắc thêm gia vị là rộn ràng gió mát. Gió làm lá ngô lung lay như múa kiếm. Gió làm bãi đậu tương biết dạo nhạc. Không gian cứ thế dệt nên tấm thảm bình yên đẹp đến nao lòng. Bạn sẽ nhận ra, mọi sáng tạo nghệ thuật của con người sau này chẳng bằng thiên nhiên. Thiên nhiên vốn đi trước con người cả nghìn năm.

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại thành, cách sông Hồng không xa. Làng tôi còn có con kênh nối dài đến nhánh của sông Nhuệ. Người làng tôi gọi con kênh lớn đó là sông Nhà Mình. Hai bên kênh là hoa cỏ, lau lách và những tán si già được trồng để giữ đất. Cách đó không xa là chân ruộng trũng rất nhiều cây dại. Nơi đó là chốn trú ngụ của cò vạc. Cò vạc sống thành từng đàn. Hằng ngày, chúng đi kiếm ăn. Vào ngày đẹp trời, chúng hòa đàn với những bầy cò sinh sống ở bờ bãi ven sông Hồng, rồi tụ về chân ruộng màu đồng cao ven sông kiếm ăn. Bà nội tôi kể, đó là những ngày đàn chim thể hiện tinh thần đoàn kết theo cách của chúng. Hàng nghìn hàng vạn con. Bay lượn theo hành trình như được tập duyệt trước. Có con đầu đàn chỉ huy, dẫn lối. Đông nhưng không lộn xộn. Nhiều mà không quá tải. Những đôi cánh nhịp nhàng như vốn đã sinh ra bao câu ca dao, lời ru, tiếng hát. Chiều tối, chúng tách ra, chim nào tổ nấy. Vào những ngày tụ đàn, người làm đồng trong vùng thấy vui lây với niềm vui của chim trời. Năm nào cò vạc tụ đàn nhiều, năm đó làm đồng điền thuận lợi, được mùa. Biết ơn chim trời, người dân quê tôi chẳng bao giờ săn bắt, xua đuổi, đã tạo nên một vùng sải cánh yên bình.

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Đất lành chim đậu. Nhưng đâu phải nơi nào chim cò cũng đậu được. Thực tế ở nhiều nơi, loài chim bị săn bắt, tận diệt. Ngay như những vườn chim, vốn được nuôi nấng bảo vệ bởi những bàn tay nhân hậu, thì ở bên ngoài vườn vẫn có những hàng lưới như thiên la địa võng mai phục, có thể gây nguy hại cho chim bất cứ lúc nào. Chim trời bị bắt và trở thành thứ mồi nhậu của con người. Chim trời phải chạy trốn, tìm nơi bình yên.

Cũng như chim cò, con người có những ngày muốn trốn sự ngột ngạt của phố xá, tìm nơi bình yên. Ngoại thành Hà Nội cũng đã có các dịch vụ du lịch homestay. Nơi đồng quê tịnh vắng yên bình là chốn được tìm về. Trải nghiệm và để được an yên. Như thế có phải con người mâu thuẫn quá không, vừa tàn phá thiên nhiên nhưng lại muốn được bình yên trong vòng tay che chở của thiên nhiên? Có phải quá mâu thuẫn khi chúng ta tàn phá thiên nhiên thật, phá đi những “dịch vụ” không phải mất tiền mà thiên nhiên cho không, để tạo ra một thứ tốn kém?

Bây giờ, ở trung tâm thành phố dù còn nhiều cây xanh, nhưng chung cư đã choán hết những khoảng trời của chim chóc. Những cái cây bị cắt tỉa thô bạo để tránh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão cũng đã làm động đến tổ chim, ảnh hưởng đến nơi ăn chốn ở của loài nhạy cảm với tình người. Chim chóc phải di cư về vùng rừng núi. Nhưng rừng núi lại thiếu vắng thức ăn. Cò vạc phải ở gần con người, gần bờ bãi, đồng điền mới dồi dào thức ăn, nuôi nấng con cái khi chúng được nảy nở. Nhưng để ý thì thấy ngoại thành cũng đang đô thị hóa. Làng quê vắng dần lũy tre, hàng cây. Chỉ một số ít giữ được bóng mát. Chim vẫn tìm về. Chim vẫn yêu đồng, yêu người. Chim vẫn tìm ra những cánh đồng xanh để sà xuống bay lượn và làm đẹp.

Chiều nay, chim cò về ngang đồng chiều. Miền quê ngoại thành bừng sắc. Những con kênh, con sông cựa mình. Chim sà lượn trên những ô ruộng đậu tương, ruộng lúa sắp trổ đòng, trên vạt ngô nếp thơm cờ hoa… Chim muốn gần đồng. Chim muốn gần người và mong một sự cộng sinh trong bức tranh tuyệt diệu của tạo hóa. Hàng vạn đôi cánh trắng đập nhịp nhàng trong sắc quê. Lạ lùng mà thân thương. Bức tranh ấy, tiếc thay, không phải ai cũng hiểu và trân trọng.

Tản văn của DIÊN KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/chim-bay-ve-giua-dong-chieu-582709