Chìm dần… chợ nổi miền Tây - Bài 3: Thoi thóp chợ nổi Long Xuyên, Ngã Năm

Dù chợ nổi ở miền Tây nay đã không còn hoàng kim như xưa, một số chợ dần biến mất, nhưng với thương hồ gắn cả đời với sông nước, họ quyết tâm bám trụ, lấy ghe làm nhà, chợ nổi làm quê hương. Chợ nổi Long Xuyên, Ngã Năm là ví dụ.

Phận đời bên bến sông

Từ chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), ngược dòng sông Hậu khoảng 60km sẽ tới chợ nổi Long Xuyên (An Giang). Không tấp nập khách du lịch như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Long Xuyên còn chưa đến trăm ghe, tàu tới lui, chủ yếu cánh thương hồ già vẫn quen nghề cũ và ghe để ở. Ông Lê Văn Sơn (54 tuổi, quê huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đưa ghe chở 10 tấn dừa tươi đậu giữa khúc sông chợ nổi Long Xuyên chờ khách. “Chợ nổi giờ như điểm bán hàng lưu động, buôn bán ế ẩm, nên thương hồ cũng chủ yếu đưa hàng tới giao các mối quen. Giờ xe cộ đi đường bộ giao hàng tận nhà, người mua không còn ra chợ mua hàng mỗi sáng nữa, nên khách ngày càng ít, chợ hiu quạnh dần”, ông Sơn nói, giọng buồn.

Bà Thái Thị Gấm bán khóm tại chợ nổi Ngã Năm. Ảnh: Hòa Hội

Bà Thái Thị Gấm bán khóm tại chợ nổi Ngã Năm. Ảnh: Hòa Hội

Ông Sơn gắn với chợ nổi Long Xuyên hơn 20 năm, trước đây chợ sung túc, mỗi chuyến hàng ông chỉ bán 1 - 2 ngày đã hết, nay phải bán cả tuần, trừ chi phí lời vài ba triệu đồng. Theo lời ông, hơn chục năm trước, chợ nổi Long Xuyên ghe, tàu tới mua bán đậu kín khúc sông dài cả cây số, nay chợ vắng, nhiều thương hồ cũng bỏ ghe, bỏ tàu lên bờ sắm xe cộ đi buôn bằng đường bộ lợi hơn. Ông Sơn chỉ về dãy ghe mấy chục chiếc đậu cặp mé sông, rồi bảo: “Những ghe đó chủ yếu đậu để ở, người ta đã chuyển lên bờ mua bán hết rồi”.

Soạn giả Nhâm Hùng (nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ) cho biết, chợ nổi hiện đã khác xưa. Chợ nổi trước phục vụ nhà nông và thương hồ, nay chỉ còn một số thương hồ và thương lái nhỏ bám trụ, thêm khách du lịch. Do đó, muốn chợ nổi tồn tại tiếp phải có sự chung tay của Nhà nước – nhà đầu tư – thương hồ và du khách. Sự kết hợp này để duy trì nét văn hóa chợ nổi xưa và nay, hỗ trợ nhau cùng tồn tại và phát triển.

Rời ghe dừa của ông Sơn, chúng tôi tìm đến dãy ghe neo bên bờ sông gặp ông Nguyễn Tấn Lộc (còn gọi Năm Lộc, 64 tuổi, quê Châu Phú, An Giang) đã có 40 năm gắn với chợ nổi Long Xuyên, ông chuyên mua bán khoai lang, khoai mì (sắn). Trước chợ nổi tấp nập, làm ăn được, ông Lộc sắm riêng 3 chiếc ghe loại 15 - 20 tấn/chiếc chạy hàng chợ. Gia đình ông 3 đời gắn bó chợ nổi, từ cha, đến ông và con trai tiếp nối. Trước đây, mỗi người cầm 1 chiếc ghe đi khắp nơi trong vùng miền Tây gom nông sản rồi chở về chợ nổi bán. “Khoảng 20 năm trước, chợ nổi Long Xuyên họp từ 2 - 3 giờ sáng, hàng từ chợ tỏa đi các địa phương trong tỉnh An Giang, đi Đồng Tháp, thậm chí cả bạn hàng từ Campuchia cũng qua mua đưa về bán. Những năm gần đây chợ nổi vắng dần, hàng ế ẩm, thương hồ chuyển lên bờ đi xe tải hết rồi. Khoảng 1 năm nay tôi cũng lên bờ thuê kho lập vựa đưa hàng về bán. Giờ nhìn thấy bến chợ nhiều tàu, ghe vậy chứ thật ra ghe mua bán nông sản chưa đầy 20 chiếc. Chợ nổi này chắc 1 - 2 năm nữa sẽ không còn ai tới mua bán, không còn là chợ”, ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn (70 tuổi), dáng khắc khổ, sống bằng nghề chạy đò chở khách từ bến phà Ô Môi ra chợ nổi Long Xuyên suốt hơn 40 năm nay. Nhà ông ở cồn Phó Ba (đối diện chợ nổi Long Xuyên). Vợ ông mất đã dăm năm, ông cố bám chợ để kiếm tiền nuôi cháu ngoại ăn học, do cha mẹ cháu đã lên Bình Dương làm công nhân, để lại cháu cho ông nuôi. Những năm gần đây chợ ế, ít khách, trong khi người chạy đò khách nhiều, nên mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn, hôm đắt vài ba trăm nghìn sống qua ngày.

Ông Lê Văn Sơn bán dừa tại chợ nổi Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Ông Lê Văn Sơn bán dừa tại chợ nổi Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Ông Sơn nhìn quanh chợ nổi Long Xuyên rồi bảo, chợ nổi giờ… chìm rồi, người dân chuyển sang nghề khác, có người bán đò lên Bình Dương làm thuê. Ông Sơn nói về trường hợp gia đình ông Chính Sên từng chạy đò có tiếng ở chợ nổi này, nhà 4 người với 4 chiếc đò khách, vài năm trước chợ vắng làm không đủ ăn nên gia đình ông Sên bỏ lên Bình Dương làm thuê. “Lên Bình Dương, ông Chính Sên lớn tuổi đi bán vé số dạo, vợ ông ở nhà chăm cháu, còn vợ chồng của 2 con đi làm công nhân, cuộc sống vẫn khỏe hơn ở chợ nổi này. Lâu lâu nhà ông Chính Sên vẫn về đây thăm lại bến xưa, bạn đò”, ông Sơn kể.

Thoi thóp chợ nổi Ngã Năm

Xuôi dòng sông Hậu về hướng Sóc Trăng sẽ tới chợ nổi Ngã Năm. Về lịch sử chợ này, soạn giả Nhâm Hùng (nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ) cho biết, sau khi lập quận lỵ Phụng Hiệp vào năm 1916, Pháp tiếp tục đào kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp và kênh Xáng cắt ngang kênh Xẻo Chích. Từ đó hình thành điểm giao của các con kênh đi về 5 hướng gồm: Long Mỹ, Vĩnh Quới, Phụng Hiệp, Phước Long và Phú Lộc. Vị trí ngã năm này dần hình thành chợ nổi Ngã Năm, nơi thương hồ mua bán, trao đổi hàng hóa để đưa đi tiêu thụ các nơi.

Những năm 1900 - 2000, chợ nổi Ngã Năm cũng tấp nập như bao chợ nổi khác trong vùng, nhưng nay cũng… chìm. Hiện, chợ nổi Ngã Năm hầu như không còn bóng dáng ghe, tàu bán buôn, chỉ còn vài ghe nhỏ bán nông sản nhỏ lẻ neo lại đậu cặp mé sông vị trí chợ xưa.

Chợ nổi Ngã Năm vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: Hòa Hội

Chợ nổi Ngã Năm vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: Hòa Hội

Gia đình ông Nguyễn Văn Lợi (67 tuổi) đậu ghe bán khóm (dứa) ở bến chợ đã cả tuần. Quê ông ở Gò Quao (Kiên Giang), mua khóm từ quê đưa sang chợ nổi Ngã Năm bán trên 25 năm. “Lúc trước đậu ghe bán hàng ở ngay Ngã Năm, từ lúc dịch COVID-19 đã rời ghe về đậu bên bến chợ, nhưng buôn bán ế ẩm, khó sống”, ông Lợi nói. Chiếc ghe khóm của ông Lợi mỗi chuyến được khoảng 5.000 trái, bán hết lời 2 triệu đồng, trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày khi đậu ở bến chợ, ông còn dư 500.000 đồng cho 1 tuần. Bà Thái Thị Gấm (vợ ông Lợi) than thở, tự thấy mình có lẽ thuộc nhóm cuối cùng bán khóm Kiên Giang ở chợ nổi này, cũng không biết trụ lại được bao lâu. Giờ vợ chồng bà tuổi cao, sức yếu, không biết làm gì nên cố bám chợ với nghề lâu nay, tới đâu hay đó.

Ông Lê Văn Thanh (59 tuổi), gắn với chợ nổi Ngã Năm từ năm 2000 đến giờ, ông mua hàng từ các ghe buôn ở chợ nổi rồi tỏa đi khắp các ngã sông, vào xóm, ấp để bán cho người dân. Ông Thanh kể, hồi xưa, ở chợ nổi khi qua sông không cần đò, vì có thể đi bộ từ ghe này qua ghe khác để qua bờ bên kia. Vào sáng sớm, ghe ra vào chợ khó khăn vì đông, nhưng dễ làm ăn, còn giờ chạy mấy chục cây số, len lỏi khắp nơi nhưng thu nhập chỉ vài triệu mỗi tháng.

Nhà văn Sơn Nam từng miêu tả sự sung túc, tấp nập của chợ nổi Ngã Năm rằng: “Buổi sáng lúc nhóm chợ xuống ghe tấp nập đến nỗi chúng ta có thể đi một vòng qua năm con kinh xáng, bằng cách bước chuyển từ xuồng này sang ghe kia, đậu sát bên… Chợ Ngã Năm là nơi giao lưu và hội tụ, trạm trung chuyển hàng hóa, người ở Ngã Năm sống khá giả”. Vậy mà, giờ đây hình ảnh đó mờ dần theo ngày tháng...

(Còn nữa)

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chim-dan-cho-noi-mien-tay-bai-3-thoi-thop-cho-noi-long-xuyen-nga-nam-post1732004.tpo