Quần thể ngô đồng bung hoa, nhuộm hồng núi rừng Quảng Trị
Hôm nay 17/4, ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị cho biết, thời điểm này tại lâm phần đơn vị quản lý, quần thể ngô đồng sinh trưởng trên dãy núi đá vôi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn qua xã Tà Long, huyện Đakrông bắt đầu bung hoa, nhuộm hồng núi rừng.
Cây ngô đồng (tên khoa học là Firmiana SP) hay còn gọi tơ đồng, trôm đơn, bo rừng, bo xanh. Một cây trưởng thành có thể cao đến 16 m, thân hình vươn thẳng. Cây ngô đồng được mệnh danh là “vương giả chi hoa”, được Vua Minh Mạng cho khắc lên Cửu Đỉnh. Cây được tương truyền là nơi chim phượng hoàng thường hay tìm đến đậu.

Cây ngô đồng, loài được mệnh danh “vương giả chi hoa” sinh trưởng, bung hoa trên núi đá vôi Quảng Trị-Ảnh: Bùi Đức
Theo lãnh đạo Ban quản lý Rừng đặc dụng tỉnh, không chỉ xã Tà Long mà cây ngô đồng còn sinh trưởng trên dãy núi đá vôi tại các xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) và xã Đakrông (huyện Đakrông). Qua thống kê sơ bộ, khu vực này có khoảng 50 cây ngô đồng đường kính từ 20 - 60 cm, đang ra hoa. Nhiều cây khác đang trong quá trình rụng lá, bung nụ. Ngoài ra, trong lâm phần đơn vị này còn có rất nhiều cây non, mọc trên lèn núi đá vôi.
Ngoài quần thể ngô đồng nói trên, tại lâm phần Ban quản lý Rừng đặc dụng tỉnh còn có quần thể mai vàng cổ thụ tại xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông), quần thể các loài hoa đỗ quyên tại khu vực đỉnh Pa Thiên – Voi Mẹp (huyện Hướng Hóa) và nhiều loài thực vật quý hiếm khác.
Những quần thể này không những có giá trị về mặt nguồn gen mà còn có giá trị về mặt cảnh quan và tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Hiện đơn vị này đang xây dựng phương án, kế hoạch khảo sát, nghiên cứu trên diện rộng về phân bố loài để phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn.
Ban Quản lý Rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị được giao quản lý 3 khu rừng đặc dụng, gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh với diện tích tự nhiên lên đến 66.164,08 ha. Đến nay, trong lâm phần đơn vị này đã ghi nhận 2.903 loài thực vật bậc cao, trong đó có trên 200 loài quý hiếm, ưu tiên bảo vệ, được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới (IUCN), Nghị định 84/2021/NĐ-CP.