Chìm dần… chợ nổi miền Tây

Chợ nổi gắn liền với sông nước, đời sống thương hồ, tạo nên đời sống văn hóa, giao thương độc đáo, riêng có của miền Tây.

Với nhiều chợ nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn với thế giới, như Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Long Xuyên (An Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng). Hiện, nhìn lại cả vùng chỉ duy nhất chợ nổi Cái Răng còn chút sôi động nhờ khách du lịch thường xuyên, những chợ nổi khác trong vùng đã và đang... chìm dần.

Bài 1: Đâu rồi anh bán chiếu trên chợ nổi Ngã Bảy?

Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) từng sầm uất, càng nổi tiếng khi soạn giả Viễn Châu lấy cảm hứng từ hình ảnh anh bán chiếu tại chợ nổi này để viết nên bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”. Hình ảnh anh bán chiếu trên chợ nổi ấy đi sâu vào tâm trí mỗi người miền Tây cho đến tận hôm nay. Giờ, chợ nổi ấy chỉ còn lại trong câu ca…

Xao xác ký ức xưa

“Ghe chiếu Cà Mau cắm sào trên vàm kinh Ngã Bảy/ Mà sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào” - câu hát của soạn giả Viễn Châu đã trở nên quen thuộc không chỉ với người dân chợ nổi Ngã Bảy (tên cũ chợ Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) và người dân miền Tây. Giờ cảnh anh bán chiếu trên ghe ở chợ nổi chỉ còn trong tranh, tàu, ghe giờ vắng bóng trên khúc sông xưa vốn nơi sinh hoạt chợ nổi. Chỉ còn lục bình lững lờ trôi theo dòng nước qua bến chợ…

Nguyễn Thị Nga (63 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, TP Ngã Bảy) đã gần đời người sống và gắn bó với chợ nổi Ngã Bảy. Đậu ghe ngay bến chợ xưa, nơi 7 ngã sông/kênh giao nhau đưa đón khách sang sông, bà Nga nhớ về 30 năm trước, nơi đây tàu ghe hàng nghìn chiếc, tàu buôn chen chúc nhau đậu kín cả mặt sông, tấp nập mua bán trên ghe, tàu cả ngày lẫn đêm.

Bà Nguyễn Thị Nga lái đò chợ nổi Ngã Bảy hơn 40 năm Ảnh: Hòa Hội

Bà Nguyễn Thị Nga lái đò chợ nổi Ngã Bảy hơn 40 năm Ảnh: Hòa Hội

Giờ chợ nổi chỉ còn trong ký ức. Bà Nga sống bằng nghề chèo đò từ khi mới đôi mươi tới giờ, cũng vì chỉ chở khách sang sông, nên gắn bó được tới giờ. Còn các tàu, ghe buôn bán sản vật miền Tây từng làm ăn nơi đây đều phải dạt đi nơi khác, hoặc bỏ lên bờ do không còn ai buôn bán ở chợ nổi.

Đưa chúng tôi đi một vòng khúc sông vốn là nơi họp chợ nổi Ngã Bảy. Chợ ban đầu nằm tại vị trí giao nhau của 7 nhánh sông, 20 năm trước được dời vào vàm Ba Ngàn cách đó 3km. Trên đường vào vị trí chợ mới, bà Nga dừng xuồng lại gần cầu tàu phục vụ khách du lịch lên/xuống ghe đi tham quan chợ Ngã Bảy.

Cầu tàu cách cầu Ngã Bảy vài trăm mét, ngồi trên ghe nhìn vào mé bờ có dòng chữ cỡ lớn Cầu tàu chợ nổi Ngã Bảy treo trên cao, kế bên bức phác họa người đàn ông vác đôi chiếu hoa đứng trên ghe hướng ra sông, một góc có dòng chữ lớn “Tình anh bán chiếu”. Bức phác họa có lẽ được tác giả lấy cảm hứng từ bài vọng cổ cùng tên của soạn giả Viễn Châu.

Bức tranh có dòng chữ “Tình anh bán chiếu” với hình ảnh người đàn ông vác đôi chiếu trên vai đứng trên ghe đặt ở mé bờ. Ảnh: Hòa Hội

Bức tranh có dòng chữ “Tình anh bán chiếu” với hình ảnh người đàn ông vác đôi chiếu trên vai đứng trên ghe đặt ở mé bờ. Ảnh: Hòa Hội

Tấp ghe vào bờ, bà Nga dẫn tôi đến một bức ảnh cỡ lớn khác, nhưng là ảnh chụp phóng to mấy chục mét vuông, thời kỳ chợ còn đông vui của nhiều năm trước. Bà Nga chỉ tay vào khuôn hình lớn rồi bảo: “Có tui chèo đò trong bức hình đó, hơn 30 năm trước tôi còn trẻ, buổi sáng chợ này sung túc lắm. Mấy năm nay, nhà nước làm bến du lịch để hút khách, nhưng cũng chẳng bao nhiêu người tới, vì người buôn bán còn không tới nói gì khách”.

Trước đó 2 ngày, bà Nga chở 3 khách nước ngoài nghe tiếng chợ nổi tìm tới tham quan. Chạy một vòng hơn cây số, tới chợ mà không thấy chợ, không bóng ghe tàu mua bán, thất vọng kêu chở lại bờ. Rồi bà Nga lại nhớ khi mình còn nhỏ, ký ức vẫn còn lưu giữ hình ảnh cố nghệ sĩ Út Trà Ôn tới chợ, ngồi ghe hát bài Tình anh bán chiếu: “...Tôi nhổ sào cho ghe chiếu trôi xuôi, lòng nặng trĩu một nỗi sầu tê tái/ Tôi ngồi yên sau lái, mắt vẫn hướng nhìn nơi nẻo cũ vườn xưa/ Hỡi ôi, con sông Phụng Nghiệp nó chảy ra bảy ngã, mà sao lệ của tôi nó cũng lai láng muôn dòng/...”.

Bà Nga tiếp tục chở tôi vào vàm Ba Ngàn, nơi chợ Ngã Bảy được dời về, khoảng 5 phút chạy ghe rồi bà Nga chỉ tay giới thiệu “đây là chợ nổi Ngã Bảy”. Người lái ghe không nói chúng tôi không nhận ra đây là khúc sông từng có chợ nổi thuộc hàng lớn nhất miền Tây. Cả 2 vị trí chợ nổi Ngã Bảy xưa và nay đều vắng như nhau.

“Giờ không một bóng ghe tàu nào buôn bán ở đây. Đường bộ phát triển, thương lái đưa xe tải về tận vườn thu mua tiện hơn đường thủy, nên chợ nổi vắng dần. Rồi khi xảy ra dịch COVID-19 các chợ bị hạn chế hoạt động để phòng bệnh, khi dịch qua chợ mở lại nhưng không ai còn tới chợ nổi buôn bán nữa. Bến chợ vẫn còn đó, giờ chỉ còn những người già như tui chạy đò chở khách sang sông”, bà Nga nói.

Bà Nguyễn Thị Nga chỉ tay về bức ảnh chợ nổi Ngã Bảy thời đông đúc có bà trong đó. Ảnh: Hòa Hội

Bà Nguyễn Thị Nga chỉ tay về bức ảnh chợ nổi Ngã Bảy thời đông đúc có bà trong đó. Ảnh: Hòa Hội

Đời thương hồ ở chợ nổi lớn nhất vùng

Ông Nguyễn Văn Sáu (63 tuổi, ở phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy) sống bằng nghề mua bán nông sản (như dưa hấu, bắp cải) ở chợ nổi Ngã Bảy mấy chục năm cho tới khi “chợ chìm”, sức yếu rồi gác máy, bỏ nghề thương hồ lên bờ cách nay 3 năm.

Ông Nguyễn Văn Sáu quê tận Châu Đốc, tỉnh An Giang, từ nhỏ đã theo cha lang bạt sống trên ghe, mua bán trên sông. Ông đã đi khắp các chợ nổi miền Tây, từ Long Xuyên, Cái Răng, Cái Bè, Ngã Năm, Vĩnh Thuận, Cà Mau đến khi gặp bà xã rồi kết duyên, vợ chồng ông chọn "cắm sào" tại chợ nổi Ngã Bảy cho đến khi lên bờ, cũng hơn 40 năm.

Ông Nguyễn Văn Sáu ở phường Ngã Bảy (TP Ngã Bảy, Hậu Giang) bỏ nghề lên bờ sau khi chợ nổi tan. Ảnh: Hòa Hội

Ông Nguyễn Văn Sáu ở phường Ngã Bảy (TP Ngã Bảy, Hậu Giang) bỏ nghề lên bờ sau khi chợ nổi tan. Ảnh: Hòa Hội

Ông Sáu nhớ khi chợ nổi Ngã Bảy còn sung túc, từ 2 giờ sáng chợ đã bắt đầu xôm tụ, ánh đèn trên các ghe, thuyền lắc lư theo sóng nước, tiếng rao, tiếng trao đổi hàng hóa rôm rả cả khúc sông. Bạn hàng từ khắp nơi đổ về đây lấy hàng rồi tỏa đi các khu dân cư, chợ nhỏ bán lại.

Khi đó, một khúc sông cả nghìn ghe, thuyền đậu lại san sát, đi bộ giữa các ghe kéo dài gần cây số. Đặc biệt, những năm chưa có cầu Cần Thơ, từ Ngã Bảy, ông Sáu chạy ghe vượt sông Tiền, sông Hậu sang chợ Cái Bè (Tiền Giang) mua nông sản, rồi chở về chợ nổi Cái Răng, hay Ngã Năm, Ngã Bảy bán.

Nói về chợ nổi Ngã Bảy, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ - soạn giả Nhâm Hùng nhớ lại, năm 1992, ông dẫn đoàn nghiên cứu, quay phim về các dòng sông trên thế giới tới chợ nổi Ngã Bảy, chia tay, đạo diễn nhắn gửi: “Chính quyền hãy cố giữ chợ nổi đẹp và lớn nhất thế giới này”.

Chợ nổi ngày càng vắng, buôn bán khó khăn, sức khỏe giảm dần, vợ chồng ông Sáu lên bờ để con trai nối nghiệp.

Nhưng khác thời ông Sáu, con trai ông đưa ghe đi gom nông sản từ các nhà vườn rồi nhập cho chợ đầu mối trên bờ, vựa hoa quả khắp các tỉnh thành trong vùng, thay vì chỉ bán ở chợ nổi.

Về lịch sử bài vọng cổ Tình anh bán chiếu, một số tài liệu ghi lại, năm 1961, soạn giả Viễn Châu đi xe đò tới Phụng Hiệp xe bị hỏng ngay chợ nổi, khách xuống xe để chờ sửa.

Khi ấy, người soạn giả vào quán nước ven đường nghỉ chân, nhìn xa xăm ra chợ nổi thấy anh bán chiếu ôm bó chiếu ngồi tư lự nhìn đám rước dâu đi qua trên sông, đã gợi cho ông cảm hứng soạn ra tuyệt phẩm vọng cổ.

(còn nữa)

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chim-dan-cho-noi-mien-tay-post1731508.tpo