Chim quý bay về Gia Lai tìm kiếm thức ăn có đặc điểm gì gây sốt?

Những ngày gần đây, hàng trăm con cò nhạn, còn được gọi là cò ốc đã xuất hiện tại cánh đồng xã Ia Mrơn (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) để tìm kiếm thức ăn.

Ngày 21/4, báo dẫn lời ông Võ Tấn Công, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mrơn (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết địa phương đã ban hành văn bản yêu cầu xã và các đoàn thể lên kế hoạch bảo vệđàn cò nhạn quý hiếm.

Đàn cò quý hiếm bay kín bầu trời ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dân trí

Đàn cò quý hiếm bay kín bầu trời ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dân trí

Theo đó, vào những ngày gần đây, hàng trăm con cò nhạn, còn được gọi là cò ốc, đã bay thành từng đàn về các cánh đồng ở huyện Ia Pa để kiếm ăn. Thức ăn của chúng chủ yếu là ốc, nhái, cua, ếch và các loại cá nhỏ. Đàn cò thường xuất hiện trên cánh đồng thuộc xã Ia Mrơn, thu hút sự chú ý của người dân địa phương.

Đại diện UBND xã Ia Mrơn cho hay, cò nhạn là một loài chim thuộc họ Hạc, có lông màu xám trắng, đôi cánh màu đen bóng, đuôi ánh lục, mỏ xám sừng hơi lục, chân hồng, vàng nhạt. Trọng lượng mỗi con 1-1,2kg. Đây là loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Cò nhạn tìm kiếm thức ăn trên cánh đồng ở Gia Lai. Ảnh: PLO

Cò nhạn tìm kiếm thức ăn trên cánh đồng ở Gia Lai. Ảnh: PLO

Theo báo Pháp luật TP.HCM, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng tuần tra bảo vệ đàn cò và tuyên truyền cho người dân về việc cấm săn bắt động vật quý hiếm. Việc săn bắt dưới mọi hình thức là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng xuất hiện đàn cò nhạn số lượng lớn. Cụ thể, ngày 17/4, báo Người lao động dẫn thông tin từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết đàn cò nhạn bất ngờ xuất hiện tại thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch) và các khu vực lân cận như đồng lúa, cánh rừng ven sông thuộc vùng đệm vườn quốc gia - khiến giới bảo tồn sinh học lẫn người dân địa phương không khỏi ngạc nhiên và thích thú.

"Trước đây cũng có một số đàn cò nhạn xuất hiện rải rác nhưng số lượng rất ít. Đợt này, chúng tôi ghi nhận một đàn lớn, có từ 300 đến 400 cá thể. Ban ngày, đàn cò nhạn tỏa ra khắp nơi để kiếm ăn, nhưng đến đêm lại bay về đậu kín các cánh rừng quanh thị trấn Phong Nha", lãnh đạo Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói.

Hình ảnh đàn cò nhạn sà xuống cánh đồng của người dân ở thị trấn Phong Nha. Ảnh: Người lao động

Hình ảnh đàn cò nhạn sà xuống cánh đồng của người dân ở thị trấn Phong Nha. Ảnh: Người lao động

Đàn cò nhạn thường tập trung nhiều tại thị trấn Phong Nha. Người dân địa phương cho biết mỗi sáng sớm hoặc chiều muộn, có thể dễ dàng quan sát hàng trăm cá thể cò bay theo từng đàn, sải cánh rộng, lượn vòng trên những thửa ruộng hoặc đậu lên các tán cây cao giữa núi rừng.

Đàn cò này không gây ảnh hưởng gì đến cuộc sống và sản xuất của người dân, mà ngược lại, sự hiện diện của chúng còn mang đến cảm giác bình yên, gần gũi với thiên nhiên.

Để bảo vệ đàn chim quý, chính quyền thị trấn Phong Nha đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo tồn sinh thái tự nhiên. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên tuần tra, khuyến cáo người dân không đến quá gần khu vực cò nhạn trú ngụ để tránh làm xáo trộn môi trường sống của loài chim quý này.

Thủy Tiên (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/chim-quy-bay-ve-gia-lai-tim-kiem-thuc-an-co-dac-diem-gi-gay-sot-14627.html