Chính biến Myanmar, khó dễ thế nào với Mỹ, Trung Quốc?

Chính biến Myanmar làm phức tạp hơn cuộc chiến giành ảnh hưởng địa chính trị ở Myanmar, khi diễn biến này đã đưa cả Mỹ và Trung Quốc vào thế khó.

Cuộc chính biến do quân đội Myanmar tiến hành đã xảy ra hơn một tháng. Tình hình ngày càng căng thẳng và nguy hiểm khi Myanmar đang vừa phải chịu đựng bạo lực từ bên trong và nguy cơ nhận phản ứng rắn từ bên ngoài.

Lúc này, hai nước nhận được sự chú ý nhiều nhất về việc phản ứng thế nào với tình hình Myanmar là Mỹ và Trung Quốc (TQ). Hai cường quốc này đều đang muốn mở rộng ảnh hưởng của mình ở Myanmar cũng như kiềm chế ảnh hưởng của nước còn lại ở quốc gia Đông Nam Á này. Myanmar có gần 1/3 đường biên giới giáp Lào và Thái Lan nhưng có tới 1/3 đường biên giới giáp Ấn Độ Dương và tới hơn 1/3 đường biên giới giáp Tây Tạng và Vân Nam của TQ. Có thể nói nếu tranh thủ được Myanmar, TQ sẽ một bước vươn ra Ấn Độ Dương. Mỹ dĩ nhiên không muốn thấy điều này.

Cuộc chính biến làm phức tạp hơn cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng địa chính trị ở Myanmar. Có thể nói Mỹ và TQ sẽ không dễ có phản ứng thực chất với tình hình Myanmar, khi cuộc chính biến ở quốc gia này đã đưa hai nước vào thế khó.

Trung Quốc giữa hai dòng nước

Khi cuộc chính biến mới xảy ra, có đồn đoán TQ bật đèn xanh cho quân đội Myanmar. Đồn đoán này chủ yếu bắt nguồn từ chuyến sang Myanmar của Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị giữa tháng 1 và gặp Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar - tướng Min Aung Hlaing giờ là người lãnh đạo chính phủ quân sự Myanmar. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, khả năng này không lớn khi nhiều năm qua TQ đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền của để cải thiện quan hệ chính trị, kinh tế với chính phủ dân sự Myanmar.

Tiêu điểm
Họ (TQ) tiêu tốn nhiều năng lượng, thời gian vào bà Aung San Suu Kyi và có một số thành tựu. Giờ họ phải bắt đầu lại với các tướng lĩnh và các tướng lĩnh này không chỉ khó với phương Tây mà khó với tất cả.
Nhà cựu ngoại giao Singapore BILAHARI KAUSIKAN, hiện là Chủ tịch Viện Trung Đông tại ĐH Quốc gia Singapore, nói về thế khó của TQ, Mỹ và nhiều nước từ cuộc chính biến ở Myanmar

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar - tướng Min Aung Hlaing tại thủ đô Naypyidaw khi sang thăm Myanmar ngày 12-1. Ảnh: AP

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar - tướng Min Aung Hlaing tại thủ đô Naypyidaw khi sang thăm Myanmar ngày 12-1. Ảnh: AP

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã bồi dưỡng quan hệ chính trị với Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà, theo báo New York Times. Bà Suu Kyi cũng đã sang thăm TQ với tư cách là lãnh đạo chính quyền dân sự Myanmar.

Ông Tập từng sang Myanmar vào tháng 1 năm ngoái - chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong chuyến đi này, hàng loạt thỏa thuận đã được ký giữa TQ và chính quyền dân sự Myanmar, trong đó có các dự án về đường sắt và cảng biển thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm mở rộng hành lang kinh tế của TQ ra Ấn Độ Dương.

Giờ tình hình này không có lợi cho TQ. Số phận các dự án này giờ lâm vào cảnh không chắc chắn, một điều TQ không bao giờ thích, theo nhà cựu ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan, hiện là chủ tịch Viện Trung Đông tại ĐH Quốc gia Singapore. Chưa kể thực ra quan hệ giữa quân đội Myanmar và TQ cũng không hoàn toàn tốt đẹp, mà chỉ là những thập niên qua trong hoàn cảnh bị cộng đồng quốc tế cô lập, quân đội Myanmar không có lựa chọn nào khác là phải ngả hơn về TQ để có sự hỗ trợ.

Quân đội Myanmar nhiều năm vất vả đối phó với các nhóm phiến quân và nhiều tướng lĩnh bất mãn với việc TQ tài trợ vũ khí, hỗ trợ chiến thuật (không công khai) cho các nhóm này. Theo nhiều thủ lĩnh cấp cao các nhóm phiến quân, các nhóm này hiện vẫn còn nhận hỗ trợ từ TQ. Quân đội Myanmar cũng đã phàn nàn điều này với ông Tập khi ông sang Myanmar năm ngoái.

Chuyện ông Vương mới đây và ông Tập năm trước đều gặp cả hai phía Myanmar khi sang thăm cho thấy TQ vẫn khó trong việc chọn bên.

Mỹ khó lèo lái đồng minh theo ý mình

Khi Myanmar bắt đầu công cuộc cải cách cũng là lúc Mỹ nhận thấy cơ hội để ươm mầm dân chủ, với hàng loạt chuyến thăm của các nhân vật cấp cao - Ngoại trưởng Hillary Clinton (năm 2011), Tổng thống Barack Obama (các năm 2012, 2014). Chính biến là một bước lùi về dân chủ ở Myanmar và làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở đất nước Đông Nam Á vốn có vị trí địa chính trị rất quan trọng này.

Có thể nói trong khi TQ muốn xây dựng hình ảnh mình là một láng giềng mềm dẻo với Myanmar thì Mỹ chủ trương vừa tạo áp lực vừa khuyến khích Myanmar chuyển đổi sang chính quyền dân chủ. Khi cuộc chính biến mới xảy ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh cáo rằng Mỹ “sẽ làm việc với các đối tác để khôi phục dân chủ và luật pháp, cũng như áp hậu quả lên những người chịu trách nhiệm”.

Ý định tham vấn các đồng minh để trừng phạt Myanmar của Mỹ sẽ không dễ thực hiện, khi các đồng minh trong khu vực (Nhật, Thái) đều không hào hứng với khả năng này vì lo ngại ảnh hưởng quyền lợi kinh tế của mình. Nhật dù tham gia cùng Mỹ và các thành viên khác của nhóm G7 ra tuyên bố chung lên án cuộc chính biến nhưng khả năng sẽ không ủng hộ ý tưởng trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar mà chính phủ ông Biden đang cân nhắc, theo New York Times.

Chưa rõ liệu áp lực từ bên ngoài - dù là từ Đông hay từ Tây - sẽ ảnh hưởng tới đâu đến các tướng lĩnh Myanmar. Dù thế, New York Times nhận xét: So với Mỹ, TQ có nhiều “công cụ” hơn để tác động tình hình Myanmar. TQ - cùng với Nga - tính đến lúc này đã phong tỏa nhiều động thái không có lợi cho Myanmar tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.•

Nhận diện vai trò của Nhật ở Myanmar

TQ hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, song vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với Myanmar năm ngoái lại thuộc về Singapore. Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan cũng đã đổ rất nhiều tiền vào Myanmar trong những năm qua, khi nước này do chính quyền dân sự lãnh đạo. Có thể nói cải cách đã giúp Myanmar nối kết không chỉ về kinh tế mà cả chính trị với nhiều nước khác ở châu Á, đặc biệt với Nhật, theo New York Times.

Theo các nhà quan sát, Nhật có quan hệ rất tốt với mọi bên ở Myanmar. Nhật đã bỏ nhiều công sức làm trung gian hòa giải giữa quân đội Myanmar và một nhóm phiến quân ở bang Rakhine. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng cách tiếp cận mềm mại của Nhật với các tướng lĩnh quân đội Myanmar sẽ có hiệu quả hơn cách ứng xử cứng rắn của phương Tây. Nhật cũng có thể sử dụng đến ảnh hưởng kinh tế của mình ở Myanmar để góp phần xử lý cuộc chính biến ở nước này. Hãng bia Kirin của Nhật đã thông báo sẽ chấm dứt liên doanh với hai công ty Myanmar vì cuộc chính biến.

>

“Đây không phải chỉ TQ hay phương Tây. Vẫn còn có một thế giới khác ở đấy và thế giới này sẽ làm phức tạp hơn việc xác định diễn tiến sắp tới thế nào” - theo nhà phân tích chính trị Richard Horsey thuộc tổ chức phi lợi nhuận International Crisis Group chuyên nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu bạo lực, hiện làm việc ở Yangon, TP lớn nhất Myanmar.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chinh-bien-myanmar-kho-de-the-nao-voi-my-trung-quoc-970126.html