'Chính các con là người thầy kỳ lạ'
Một ngày tháng Mười năm 2019, tôi may mắn được dự một bữa tiệc sinh nhật khá lạ lùng. Đó là một bữa tiệc sinh nhật kép của một trung tâm chuyên đào tạo Kỹ năng sống, 18 năm thành lập trung tâm Tâm Việt, và 5 năm chuyên sâu thực hành giáo dục đặc biệt, kiêm nghiên cứu phương pháp phát triển trẻ tự kỷ.
Bữa tiệc sinh nhật diễn ra vào chiều muộn bên bờ sông Đuống thanh bình. Con sông lặng lẽ bao quanh khu trung tâm, như không hề chảy, chỉ thỉnh thoảng xao động vì một con phà chở than, gỗ, nguyên liệu xây dựng chạy qua. Nhưng trung tâm giáo dục bên bờ sông thì sôi động bởi tiếng nhạc, tiếng trẻ reo cười, tiếng người lớn chào hỏi hân hoan, những bó hoa, chai rượu mừng, đặc biệt là nụ cười của các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo trong trung tâm khi ngắm nhìn đám trẻ tự kỷ trong đồng phục màu cam tập trung ăn tối, và chuẩn bị biểu diễn trong đêm sinh nhật.
Quan sát các em nhỏ tự kỷ đang tuổi thiếu niên, hoặc thanh niên, chừng 50 em, trong trung tâm này, tôi nhận thấy các em rất khác, bên các em luôn có thầy, hoặc cô hỗ trợ, các em có những phản ứng quá lên, có thể lặng lẽ quá, tinh nghịch quá, hoặc vui thái quá, đặc biệt là cách các em biểu hiện tình cảm, ôm hôn nồng nhiệt, vượt qua mọi e ngại thông thường. Bởi các em không phải là những người thường, các em hồn nhiên, tự do làm điều mình muốn bất kể quy tắc hay rào cản cảm xúc của xã hội dựng lên.
Với quan điểm thông thường, thì trẻ tự kỷ được coi là bệnh nhân khó chữa, nhiều phần nguy hiểm và cần kiểm soát chặt chẽ hành vi 24/24h để tránh gây hại cho bản thân, và những người xung quanh. Tuy nhiên, trong 5 năm nay, khi Tâm Việt chính thức bắt tay vào lĩnh vực phát triển trẻ tự kỷ, thì họ đã đảo ngược hoàn toàn cách nhìn trẻ tự kỷ.
Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người sáng lập trung tâm Tâm Việt, nêu một triết lý khá đơn giản lâu đời của người Việt “có tài thường có tật”, do đó, mỗi trẻ tự kỷ là một tài năng, điều cốt lõi là làm sao phát hiện ra tài năng ở mỗi em để phát triển tài năng đó đóng góp cho cộng đồng.
Lý luận đó của vị Tiến sĩ ngành Toán-Lý thoạt nghe có vẻ hoang đường. Tuy nhiên, Sau 5 năm tập trung vào công việc giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ, thì những thành quả thực tế đã minh chứng cho lý luận cũng như cái nhìn khác biệt của ông về trẻ tự kỷ.
Tại trung tâm này, các em không bị nhồi thuốc để kiềm chế hành vi quá mức đến thành gây hại, trái lại, các em được hoạt động hết sức mình, dưới sự hướng dẫn kiên nhẫn và tình yêu thương vô hạn của các thầy cô. Trong khi đưa các em vào hoạt động, từng điểm mạnh của mỗi em được bộc lộ, và thầy cô dựa vào đó để tập trung phát triển năng lực đặc biệt ấy.
Đã có những trường hợp tài năng được bồi dưỡng, vun trồng và tỏa sáng từ trung tâm Tâm Việt, đó là kỷ lục gia Khôi Nguyên, Nguyễn Đình Khánh Hưng, tài năng nhí Triệu Khánh Su, diễn giả nhí vui nhộn Tony Nguyễn… Chính trong đêm sinh nhật trung tâm, các em đã cùng biểu diễn tài năng độc đáo của mình, khiến khán giả, là những phụ huynh, thầy cô, các nhà báo, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, doanh nhân… dự buổi tiệc vô cùng kinh ngạc và thán phục.
Tiến sĩ Phan Quốc Việt chia sẻ, ông đã từng dạy kỹ năng sống cho nhiều khóa gồm các chính trị gia, doanh nhân, cán bộ giáo dục, giáo viên, sinh viên, học trò… trong hai thập niên qua, việc dạy cũng chính là việc tự đào tạo một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, khi tiếp cận môn giáo dục đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ trong 5 năm qua, thì chính các con lại là người thầy hiệu quả nhất, kỳ lạ nhất đối với ông.
Coi các con là chủ nhân của giáo dục, mà mỗi con lại cần tiếp cận bằng một phương pháp riêng biệt, phù hợp nhất với năng lực của con, thì đó chính là một hành trình học hỏi không mệt mỏi, đồng thời là hành trình khám phá kỳ diệu năng lực đặc biệt mà tự nhiên trao riêng cho con. Mỗi người sinh ra trên thế gian này, đều hữu ích trong một việc nhất định. Càng khó khăn trong giáo dục, thì càng chứng tỏ một mỏ năng lực quý xứng đáng được đầu tư giáo dục sâu hơn, giá trị hơn. Giống như ngọc ẩn trong đá, phải trầy trật phá đá, phải vượt qua cảm giác bất lực và cảm giác buông xuôi, muốn đầu hàng hết lần này đến lần khác.
Thật bất ngờ, các con tự kỷ đã khiến ông tiến bộ nhanh nhất trong 5 năm qua. Ông thành thực biết ơn các con, bởi chính có các con, ông mới hiểu sâu sắc nhất bài học làm người, hiểu sâu sắc lòng người, hiểu sâu sắc về giáo dục, khoa học thần kinh, bản chất của lãnh đạo. Khi thực sự đêm ngày ở cùng các con, đánh vật với các con, ông đã tự thay đổi.
Như vậy với vị tiến sĩ này, cũng như trung tâm Tâm Việt, thì với mỗi chủ nhân của giáo dục, cần có cách tiếp cận giáo dục chính xác, riêng biệt để con được thay đổi số phận, thay đổi thế giới.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chinh-cac-con-la-nguoi-thay-ky-la-553848.html