Chỉnh hình bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti: Hiệu quả cao nếu điều trị sớm

Theo BSCKI Trần Như Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên, điều trị bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti có nhiều ưu điểm hơn các phương pháp phẫu thuật trước đây, bởi có thể được tiến hành sớm, ngay từ khi trẻ mới sinh khoảng 3-5 ngày tuổi, mang lại hiệu quả cao. Khi biết đi, trẻ có thể đi lại bình thường.

Bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng Phú Yên điều trị bàn chân khoèo cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp Ponseti, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Nguồn: BỆNH VIỆN PHCN PHÚ YÊN

Bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng Phú Yên điều trị bàn chân khoèo cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp Ponseti, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Nguồn: BỆNH VIỆN PHCN PHÚ YÊN

Theo y văn, bàn chân khoèo là một dị tật bẩm sinh, một biến dạng theo sự phát triển của thai nhi. Do xương sên bị biến dạng và xương thuyền di chuyển vào trong, bàn chân quay vào trong, thậm chí quay ngược ra sau nên đến khi biết đi, trẻ không thể đi lại bình thường. Trên thế giới, ước tính cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì có từ 1-3 trẻ bị dị tật bàn chân khoèo. Nếu không được điều trị sớm, dị tật này khiến trẻ đi lại khó khăn, mặc cảm, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Phương pháp Ponseti điều trị bàn chân khoèo dựa trên sinh học của sự biến dạng và giải phẫu học chức năng của bàn chân. Kỹ thuật này được tiến hành qua các bước: Nghiêng và xoay trong tối đa, dần chỉnh mũi bàn chân xoay ra ngoài, dần nâng lòng bàn chân, chuyển lòng bàn chân nghiêng ngoài với cạnh ngoài bàn chân cao hơn cạnh trong. Kết thúc giai đoạn nắn chỉnh, bó bột, trẻ mang giày nẹp để duy trì kết quả bó bột, giúp bàn chân có hình dạng bình thường.

Phương pháp Ponseti được xem là một cuộc cách mạng về kỹ thuật bó bột nắn chỉnh các biến dạng vùng bàn chân, cổ chân. Bệnh nhi không phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn, đau đớn và tốn kém; tỉ lệ thành công cao nếu trẻ được điều trị sớm - khi các gân, dây chằng bàn chân của trẻ còn mềm dẻo - và tuân thủ việc mang giày nẹp đầy đủ.

Từ năm 2016, Bệnh viện PHCN Phú Yên bắt đầu áp dụng kỹ thuật chỉnh hình bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti, sau khi được tổ chức Prosthetics Ontreach Fountation hỗ trợ và được Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển giao kỹ thuật này. Tiếp đó, ThS.BS Trương Thị Xuân Thủy, Trưởng khoa PHCN - Chỉnh hình, Bệnh viện PHCN Phú Yên được Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh đào tạo thêm về kỹ thuật chỉnh hình bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti.

Đến nay, Bệnh viện PHCN Phú Yên đã điều trị dị tật bàn chân khoèo cho hơn 100 trẻ sơ sinh, kết quả tốt. Bác sĩ Xuân Thủy cho biết: “Phương pháp Ponseti có nhiều ưu điểm, thứ nhất là hạn chế đau đớn cho trẻ, thứ hai là chi phí thấp, thứ ba là hiệu quả cao; tỉ lệ thành công hơn 95%. Điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao”.

Theo bác sĩ Xuân Thủy, thời gian tốt nhất để bắt đầu điều trị bàn chân khoèo cho trẻ là ba ngày sau khi sinh. Khi có trẻ sơ sinh bị dị tật bàn chân khoèo, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, các trung tâm y tế tuyến huyện hay trạm y tế xã đều kết nối, thông tin đến Bệnh viện PHCN Phú Yên. “Điều trị cho trẻ dưới hai tuổi, phương pháp này mang lại hiệu quả cao. Trẻ hơn hai tuổi thì khó nắn chỉnh, bó bột, khó mang giày nẹp vì trẻ sẽ phản ứng. Điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao. Trẻ không chỉ đi lại bình thường khi biết đi mà sau này còn có thể chơi thể thao như những đứa trẻ khác”, bác sĩ Xuân Thủy cho biết.

Điều trị bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Họ giúp trẻ tuân thủ việc mang giày nẹp đầy đủ; theo dõi, phát hiện những dấu hiệu tái phát dị tật hoặc tổn thương bề mặt da do loét, nếu có. Sau ba tháng mang giày nẹp liên tục 24/24 giờ, cha mẹ đưa trẻ tái khám nhằm phát hiện sớm nếu có tái phát dị tật. Bác sĩ Xuân Thủy nói: “Ponseti là một phương pháp tuyệt vời nhưng vẫn có tỉ lệ không thành công và có thể có biến chứng trong quá trình điều trị. Vai trò của cha mẹ, của gia đình rất quan trọng, góp phần vào sự thành công trong điều trị. Nếu cha mẹ chủ quan, không quan tâm theo dõi, quan sát, không giúp trẻ mang giày nẹp đầy đủ thì dị tật sẽ tái phát”.

Việc đưa trẻ đi điều trị sớm và giúp trẻ tuân thủ tốt quy trình điều trị, những người làm mẹ làm cha cùng bác sĩ sẽ mang lại cuộc sống bình thường cho con mình. “Ponseti là phương pháp điều trị bàn chân khoèo tốt nhất hiện nay, và là một thế mạnh của bệnh viện”, bác sĩ Trần Như Tiến cho biết.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/284407/chinh-hinh-ban-chan-khoeo-bang-phuong-phap-ponseti--hieu-qua-cao-neu-dieu-tri-som.html