Chính kịch tháng Năm lay động khán giả trẻ

Tháng Năm - mùa sen nở, cũng là thời khắc thiêng liêng khi cả nước hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hòa cùng không khí ấy, Nhà hát Kịch Việt Nam rực rỡ cờ hoa chào đón đông đảo khán giả, đặc biệt là giới trẻ tới thưởng thức chương trình nghệ thuật Tháng Năm cùng Người.

Ê kíp sáng tạo giao lưu với khán giả sau buổi diễn

Ê kíp sáng tạo giao lưu với khán giả sau buổi diễn

Nổi bật trong chương trình là hai vở kịch nói đặc sắc, tái hiện sinh động hình tượng Bác Hồ qua ngôn ngữ sân khấu gần gũi và giàu cảm xúc.

Mỗi câu thoại, mỗi ánh nhìn, từng chuyển động hình thể đều được các nghệ sĩ chăm chút để không chỉ kể lại một câu chuyện, mà còn truyền đi một tinh thần bất diệt - Tinh thần Hồ Chí Minh!

Xúc cảm thẩm mỹ chạm đến trái tim khán giả

Không khí tại Nhà hát Kịch Việt Nam hiện đang rộn ràng và thấm đẫm tinh thần dân tộc. Tháng Năm cùng Người - chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước, kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã tạo nên một làn sóng cảm xúc mạnh mẽ trong lòng công chúng.

Hai vở kịch chính luận Người đi dép cao su Đêm trắng là những tác phẩm tiêu biểu của Nhà hát Kịch Việt Nam trong chương trình lần này. Không đơn thuần là những lát cắt lịch sử, hai vở diễn tái hiện sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người vĩ đại nhưng rất đỗi đời thường, qua đó truyền đi những thông điệp nhân văn sâu sắc.

“Nếu bạn chưa từng đi xem kịch, hãy thử một lần. Bạn sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác về sân khấu, nhất là với những vở diễn cách mạng tái hiện hình tượng Bác Hồ chân thật đến bất ngờ.

Khi xem Đêm trắng, tôi thực sự xúc động. Hình ảnh Người hiện lên gần gũi mà sâu sắc, thấm đẫm tinh thần cách mạng và lòng nhân ái bao la…”, một khán giả trẻ chia sẻ sau buổi diễn đầu tiên.

Cảm xúc ấy đã được cộng hưởng qua hơn 8.000 lượt tương tác trên mạng xã hội, với vô số bình luận, chia sẻ từ khán giả cả nước - minh chứng rõ nét cho sức sống của sân khấu kịch chính luận trong đời sống tinh thần hôm nay.

Nghệ sĩ Tùng Linh, Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn Nhà hát cho biết: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một không gian nghệ thuật không chỉ để xem, mà còn để cảm, để sống cùng lịch sử. Và chính khán giả trẻ hôm nay đã mang lại cho chúng tôi niềm tin mạnh mẽ vào sức sống của sân khấu kịch trong dòng chảy hiện đại”.

Theo kế hoạch, Người đi dép cao su sẽ tiếp tục được công diễn vào tối 16.5 tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội). Đêm trắng sẽ diễn vào 20h các ngày 18, 19 và 24.5 tại cùng địa điểm; một suất đặc biệt lúc 8h30 sáng 20.5 tại Rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hà Nội).

Hai vở diễn chính luận của Nhà hát Kịch Việt Nam thu hút đông đảo khán giả trẻ

Hai vở diễn chính luận của Nhà hát Kịch Việt Nam thu hút đông đảo khán giả trẻ

Mở rộng cánh cửa lịch sử bằng nghệ thuật chính luận

Trong dòng chảy nghệ thuật tháng Năm - mùa tri ân, mùa nhớ Bác - hai vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam đã khẳng định sức sống mạnh mẽ của chính kịch hiện đại, đồng thời khắc họa đậm nét hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ sân khấu chứa đựng chiều sâu tư tưởng.

Không phải ngẫu nhiên mà cả hai vở diễn đều từng giành nhiều giải thưởng lớn, được giới nghề đánh giá cao và công chúng đón nhận nồng nhiệt qua hàng loạt đêm diễn “cháy vé”.

Chính sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, nghệ thuật và cảm xúc đã khiến những vở kịch lịch sử ấy vừa kể được câu chuyện quá khứ, vừa đối thoại được với hiện tại và tương lai.

Dựa trên kịch bản của nhà văn Algeria Kateb Yacine, do TS.NGƯT Lê Mạnh Hùng biên tập và đạo diễn, Người đi dép cao su tái hiện cả chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam - từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, những năm Bác Hồ hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...

Phong cách dàn dựng hiện đại, kết hợp hiệu ứng sân khấu linh hoạt đã mang đến một vở diễn không chỉ là hồi tưởng lịch sử, mà còn là tiếng gọi của lòng yêu nước, của niềm tự hào dân tộc.

Đêm trắng, vở kịch kinh điển của cố tác giả Lưu Quang Hà, được NSND Xuân Bắc đạo diễn theo hướng dàn dựng mới, quy mô lớn với hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên tham gia.

Lấy bối cảnh thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vở diễn xoáy sâu vào cuộc đấu tranh nội tâm của Bác Hồ trong việc ra quyết định xử lý một cán bộ cao cấp thoái hóa. Những đêm trắng đầy trăn trở ấy cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời thể hiện tấm lòng bao dung, nhân hậu và niềm day dứt của một vị lãnh tụ sống vì dân.

Tác phẩm đã giành HCV cho vở diễn và 3 HCV cá nhân tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2024 - khẳng định vị trí vững chắc của chính kịch trong dòng chảy sân khấu đương thời.

Đảm nhiệm vai Bác Hồ trong cả hai vở diễn, nghệ sĩ Minh Hải đã chạm đến trái tim khán giả bằng lối diễn chân thực và thấm đẫm cảm xúc. Là người con đất Nghệ An, anh có lợi thế về âm sắc và ngoại hình, nhưng điều làm nên thành công của anh là gần 20 năm rèn luyện và tâm huyết với vai diễn này.

“Đã nhiều lần tôi bật khóc sau buổi diễn khi chứng kiến tình cảm khán giả dành cho vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta. Khi đó, tôi biết chúng tôi đã chạm tới điều thiêng liêng nhất của nghệ thuật”, nghệ sĩ Minh Hải bày tỏ.

Chia sẻ về hai vở diễn, Phó Giám đốc Nhà hát, NSƯT Kiều Minh Hiếu cho biết: “Chúng tôi không đặt nặng mục tiêu doanh thu, ưu tiên của Nhà hát là hướng đến khán giả trẻ - đặc biệt là sinh viên. Nhiều trường đại học đã có các đội kịch, các em cần được tiếp xúc với nghệ thuật chính luận để hiểu thêm về lịch sử, về Bác Hồ - bằng cảm xúc chứ không chỉ qua sách vở”.

Những hàng ghế chật kín, những tràng pháo tay vang dài sau mỗi đêm diễn và cả ánh mắt rưng rưng của khán giả là minh chứng cho sức mạnh lan tỏa của sân khấu khi chạm đúng mạch nguồn cảm xúc dân tộc.

Bằng sự đầu tư nghiêm túc, tư duy đổi mới và niềm tin vào thế hệ trẻ, các nghệ sĩ đang viết tiếp hành trình đưa nghệ thuật chính luận đến gần hơn với công chúng hôm nay.

THÚY HIỀN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/chinh-kich-thang-nam-lay-dong-khan-gia-tre-131654.html