Chính nghĩa, lẽ sống của dân tộc Việt Nam
Từ một nước thuộc địa không có tên trên bản đồ thế giới nhưng sau thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, trở thành ngọn cờ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một lần nữa Việt Nam lại giương cao ngọn cờ chính nghĩa với ý chí 'Không có gì quý hơn độc lập tự do', tiếp thêm sức mạnh cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Và hai tiếng Việt Nam đã trở thành tiếng nói của lương tri và trái tim thời đại.
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go ác liệt nhất, thì ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, trong đó có đoạn: “Gần đây, giặc Mỹ điên cuồng leo thang thêm một bước rất nghiêm trọng, chúng bắn phá ngoại ô Hà Nội và Hải Phòng.
Đó là hành động tuyệt vọng của chúng, khác nào con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Lời kêu gọi như một lời hịch hiệu triệu toàn dân tộc Việt Nam và thức tỉnh lương tâm những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới cùng đồng tâm, hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến lên giành chiến thắng.
Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch là một cuộc vận động lớn để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin, xiết chặt đội ngũ để đi vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả nhân loại tiến bộ trên thế giới trong thế kỷ XX.
Đế quốc Mỹ càng tăng cường tiềm lực chiến tranh để thực hiện âm mưu hủy diệt Việt Nam bao nhiêu, thì nhân loại trên thế giơíkể cả nhân dân tiến bộ Mỹ càng đứng về phía Việt Nam bấy nhiêu. Thất bại thảm hại trên các chiến trường buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán hội nghị Paris.
Tại hội nghị Paris, Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ chính nghĩa và thiện chí hòa bình, vạch trần những âm mưu, tội ác và bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ. Hướng về Việt Nam, phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ diễn ra khắp nơi trên thế giới. Từ các lục địa Á, Phi, Mỹ La tinh đến các lực lượng dân chủ ở các nước tư bản phương Tây, các nước có căn cứ quân sự của Mỹ như Nhật Bản, Thái Lan...
Tất cả đều hướng về Việt Nam. Khắp nơi trên thế giới, liên tiếp diễn ra những cuộc đi bộ vì hòa bình, những cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam dậy sóng. Và trong phong trào “Đoàn kết với Việt Nam”, còn có đông đảo nhân dân tiến bộ Mỹ, hàng ngàn thanh niên Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh, chống lệnh đi quân dịch sang miền Nam Việt Nam, trong đó có thanh niên Bill Clinton, sau này là Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ và chính Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam ngày 3/2/1994, bắt đầu thiết lập cơ quan liên lạc giữa hai nước, với thiện chí: “gác lại quá khứ”, cùng nhau hướng tới tương lai.
Sau 50 năm ký kết Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 37 năm đổi mới, Việt Nam không ngừng mở rộng và tăng cường quan hệ đa dạng với các nước và các chính đảng trên thế giới, tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế của các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả và các chính đảng ở châu Á. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ ở các mức độ khác nhau với trên 200 đảng ở 115 nước khắp các châu lục.
Đồng thời, Đảng ta cũng thường xuyên tham gia và tham gia có hiệu quả các diễn đàn đa phương chính đảng như: cuộc gặp quốc tế hằng năm của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới (IMCWP); Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP); Diễn đàn Sao Paulo của các đảng cánh tả... Đây là kết quả của quá trình thực hiện dân chủ hóa và cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để, trong đó “chính nghĩa” là mục tiêu bất di, bất dịch.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tiếp tục làm sáng tỏ thêm trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta, vừa coi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân là nhiệm vụ trung tâm, vừa phải tăng cường quốc phòng, an ninh.
Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc. Nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để vượt qua mọi thách thức, khắc phục mọi khó khăn, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều thuận lợi để phát triển đất nước. Đảng ta xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển KT-XH, đồng thời là sự thể hiện nhận thức, đánh giá của Đảng về vai trò to lớn của công tác đối ngoại trong tình hình mới với mục tiêu duy nhất, đó là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc thuyết trình ở Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 5/2022. Thủ tướng nêu rõ: “Giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng. Giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại. Giữa hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình. Giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác”.
Như thế có thể khẳng định, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn có khác nhau, nhưng Việt Nam chọn chính nghĩa, chọn sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, của Hiến chương Liên Hợp Quốc; đó là bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.
Với mục tiêu “Đa phương hóa, đa dạng hóa và là bạn với tất cả các nước trên thế giới”, hiện nay quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã phủ sóng tới 191 quốc gia. Quan hệ quốc phòng cũng tới trên 80 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, đặc biệt Việt Nam có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay.
Đó là cơ hội thuận lợi để chúng ta ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Sau 50 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị ổn định, quốc phòng- an ninh được tăng cường và giữ vững, văn hóa-xã hội có bước phát triển mới; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực vẫn còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Nhưng với mục tiêu là chính nghĩa, Việt Nam luôn luôn tôn trọng và đi theo con đường hòa bình hữu nghị, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển, đây là mục tiêu của Việt Nam cũng là xu thế của thời đại.
Trong lịch sử trường tồn của dân tộc, tinh thần chính nghĩa, lòng yêu nước, ý chí quật cường của người dân Việt Nam không hề khuất phục trước bạo lực, cường quyền. Cho dù toàn cầu hóa và thế giới có biến động thì Việt Nam vẫn nhất quyết đi trọn con đường mà tiền nhân đã đặt những bước khởi đầu sáng tạo với mục tiêu: Độc lập dân tộc, tự do dân chủ, hòa bình hữu nghị; Hợp tác phát triển và quyết tâm thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế vì mục đích chính nghĩa là hòa bình và ổn định.