Chính phủ Campuchia xem xét nới lỏng các thủ tục đầu tư
Chính phủ Campuchia đang nỗ lực để trở nên linh hoạt hơn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy ngoại thương, bắt kịp với môi trường thương mại toàn cầu luôn thay đổi.
Người phát ngôn của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF), ông Meas Soksensan cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 toàn cầu, cộng thêm với cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai cường quốc thương mại lớn trên thế giới, Campuchia cần phải linh hoạt tự xoay sở trong những tình huống khó khăn này. Ông nói “chúng tôi đã đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh doanh, thương mại và đầu tư, nhưng điều chúng tôi cần làm là làm thế nào để những chính sách đó bớt cứng nhắc, phù hợp với xu hướng toàn cầu và tận dụng các lợi thế có thể có trong căng thẳng thương mại giữa các nước lớn”.
Ông nói thêm rằng một số quốc gia ở Đông Nam Á được hưởng những lợi ích từ những cạnh tranh giữa các cường quốc này và Campuchia cũng nằm trong số những quốc gia trong khu vực có thể tận dụng các tác động lan tỏa như đầu tư vào các ngành đang có xu hướng dịch chuyển từ các cường quốc đến Đông Nam Á. “Chắc chắn chúng tôi có thể tận dụng lợi thế khi các cơ sở sản xuất đang chuyển dần từ các cường quốc sang Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ có nhiều khuyến khích tạo động lực hơn nữa để nắm bắt lợi thế này và để đạt được điều này, chúng tôi cần khắc phục một số điểm yếu hiện nay của mình. Ngoài ra, việc có thêm các hiệp định thương mại tự do trên cơ sở song phương là yếu tố quan trọng để tiếp cận nhiều thị trường hơn” ông nhận định.
MEF đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm (2020-2025) cho ngành may mặc, dệt may, nhằm đưa ra một lộ trình tầm nhìn chuyển dịch ngành này thành một ngành công nghiệp đa dạng, có giá trị cao.
Thủ tướng Samdech Hun Sen từng khẳng định trong một hội nghị trực tuyến Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN vào tháng trước rằng, Chính phủ đang tăng cường những biện pháp sắc bén để giải quyết các vấn đề mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp gặp phải. Ông khẳng định, những cải cách này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi trong đầu tư và kinh doanh tại Campuchia.
Ông Hong Vannak, một nhà nghiên cứu kinh doanh tại Học viện Hoàng gia Campuchia cho biết, Chính phủ đang thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn vì quốc gia này đã mất đi một phần ưu tiên thương mại của EU “Chương trình miễn thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa từ các nước kém phát triển nhập khẩu vào EU trừ vũ khí (EbA)”.
Ông cho biết thêm, mặc dù luật đầu tư mới của Campuchia đang tiến triển khá chậm, nhưng Chính phủ dường như đang sử dụng các cơ chế riêng biệt để giải quyết những vấn đề này. “Nhìn chung, chính phủ đã thành lập các Đặc khu kinh tế để tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài. Vì vậy, những nơi này đã và sẽ trở thành cửa ngõ, nơi hoàn chỉnh với dịch vụ một cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào đây. Điều này sẽ giúp giảm bớt tình trạng quan liêu và giúp việc kinh doanh cũng dễ dàng thuận lợi hơn” ông nói. Ông cũng đánh giá, các chính sách thương mại và đầu tư của Campuchia đã tiến triển tốt hơn nhiều từ năm 2013 khi nước này nhận được sự hỗ trợ bổ sung liên quan đến quản lý kinh tế vĩ mô, đa dạng hóa kinh tế cũng như luật pháp và quản lý thuế từ EU.
Anthony Galliano, giám đốc điều hành nhóm của công ty tài chính doanh nghiệp Campuchia Investment Management cho biết, trong bảy năm qua chúng ta phải hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được. Trong thời kỳ khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp chỉ tìm kiếm những khuyến khích làm động lực giúp họ tồn tại chứ không phải là sự gia tăng thêm khó khăn.
ĐOÀN TRUNG (Theo Khmer Times)