Chính phủ cần sớm giao vốn và ban hành cơ chế đẩy nhanh 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 30-10, Quốc hội thảo luận về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đánh giá, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên thảo luận chiều 30-10

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên thảo luận chiều 30-10

Bên cạnh những kết quả tích cực, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước chỉ ra một thực tế từ phản ánh của địa phương đó là số lượng văn bản quá nhiều và một số văn bản của trung ương ban hành còn chậm, nội dung hướng dẫn trong các văn bản còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các đại biểu dự phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường Diên Hồng

Các đại biểu dự phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường Diên Hồng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cùng các đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện, thị xã, thành phố dự thính phiên thảo luận

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cùng các đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện, thị xã, thành phố dự thính phiên thảo luận

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, việc ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ dù đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc từ cơ sở tuy nhiên vẫn còn một số nội dung, quy định rất khó thực hiện, nhất là các nội dung về hỗ trợ sản xuất. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cũng cần phải nghiên cứu và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời và hiệu quả hơn.

Việc phân bổ nguồn vốn bố trí chưa tương xứng với mục tiêu cũng như yêu cầu đặt ra. Việc lập kế hoạch vốn, phân bổ vốn, giao vốn ngân sách trung ương chậm, có nội dung phân bổ vốn chưa sát với tình hình, nhu cầu thực tế của một số địa phương. Việc giao vốn sự nghiệp còn rất nhiều bất cập và chưa có sự thống nhất giữa 3 chương trình. Việc giao chi tiết đến từng dự án cũng như tiểu dự án đến nội dung thành phần tùy theo quy định nhưng lại rất khó triển khai cơ chế lồng ghép và chuyển nguồn khi dự án, tiểu dự án không còn hiệu quả. Tiến độ giải ngân ngân sách trung ương rất thấp và khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương của các chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2025 rất là khó khăn.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành được phân công làm chủ chương trình sớm có những giải pháp ban hành kế hoạch vốn để phân bổ, giao vốn ngân sách trung ương cho các địa phương triển khai thực hiện kịp thời.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận chiều 30-10

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận chiều 30-10

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn xác định danh sách các thôn có hộ dân khó khăn, hộ dân thuộc đặc thù các dự án chính của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để địa phương triển khai được thuận lợi hơn.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của Ủy ban Dân tộc và cũng đã trình Chính phủ thì tỉnh Bình Phước được phê duyệt 8 dự án. Tháng 7-2022, Chính phủ đã phân bổ nguồn vốn cho tỉnh Bình Phước, trong đó có 3 dự án nằm trên địa bàn 3 xã biên giới (Lộc Thịnh, Lộc Tấn và Lộc An, huyện Lộc Ninh). Hiện nay, 3 xã này đã về đích nông thôn mới. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ, xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã khu vực I nên không được đầu tư thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025. Khó khăn này không chỉ ở tỉnh Bình Phước mà còn là bất cập ở rất nhiều địa phương. Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có cơ sở, căn cứ triển khai đạt hiệu quả và đảm bảo quy định.

Từ thực tiễn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang chỉ ra rằng, Ban chỉ đạo chung cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia các cấp tuy đã được kiện toàn, thành lập nhưng cơ chế quản lý cũng như chỉ đạo lãnh đạo vẫn còn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan và hiệu quả phối hợp liên ngành chưa thực sự chuyển biến rõ nét.

Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Trung ương và sự phối hợp giữa các bộ chủ quản với các bộ, ngành trong cơ chế của Ban chỉ đạo chung còn rất hạn chế. Mô hình tổ chức của bộ máy giúp việc chưa thực sự đồng bộ, thống nhất ở cấp tỉnh, cấp huyện, đa số địa phương, cán bộ cấp huyện, cấp xã vẫn là kiêm nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chương trình. Do vậy, Chính phủ cũng cần có những giải pháp trong việc kiện toàn tổ chức nhằm khắc phục thực trạng này.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/150168/tin-quoc-hoi