Chính phủ cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch
Tại phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, các đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đoàn giám sát.
Thực hiện quy hoạch đúng pháp luật
Tán thành cao với nội dung của Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội; đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đoàn giám sát việc thực thi nhiệm vụ, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Đoàn giám sát đã kịp thời điều chỉnh, từ giám sát, kiểm tra trực tiếp đến kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Do đó vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Đánh giá cao những nỗ lực của Đoàn giám sát trong quá trình giám sát, đại biểu Trần Văn Tiến kiến nghị Quốc hội lựa chọn một số luật mới được ban hành, có tính kỹ thuật chuyên ngành để tiến hành giám sát tối cao.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ lập quy hoạch và các tỉnh thành phố hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chậm nhất đến ngày 31/12/2022 để hoàn thành theo tinh thần Nghị quyết số 119 của Chính phủ.
Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo việc quản lý, thực hiện quy hoạch đúng pháp luật.
Theo đại biểu, Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng thẩm định quy hoạch quốc gia đẩy nhanh tiến độ thẩm định, giúp quy hoạch sớm được phê duyệt theo quy định. Về dài hạn, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, tích hợp pháp luật đất đai, đô thị, xây dựng vào Luật Quy hoạch đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động quy hoạch.
Nhất trí với báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, Báo cáo đã đánh giá đầy đủ, chính xác, khách quan về kết quả thực hiện; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với từng nhóm vấn đề như: Lập, thẩm định quy hoạch hoạch, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; Rà soát, ban hành danh mục quy hoạch tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và điều chỉnh quy hoạch thời kỳ năm 2021-2030...
Quan tâm bố trí không gian quy hoạch
Bên cạnh đó, đại biểu Lý Thị Lan đề xuất, nội dung quy hoạch tỉnh cần tập trung định hướng tích hợp phát triển kinh tế xã hội, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đại biểu cũng cho rằng, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch; tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên kết giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quy hoạch.
Đồng tình với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, đại biểu nhấn mạnh cần quy định cụ thể hơn về thời gian hoàn thành đối với một số nhiệm vụ giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để kịp thời triển khai ngay trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, hướng dẫn quy trình lập quy hoạch bằng phương pháp tích hợp để lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…
Đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo giám sát; đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc lựa chọn chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là hợp lý, kịp thời để rà soát những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch.
Đại biểu đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế trao đổi thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Đồng thời Chính phủ cần thống nhất phạm vi, đối tượng quy hoạch ngành quốc gia theo hướng quy hoạch ngành quốc gia chỉ lập quy hoạch mạng lưới quy hoạch cơ sở thuộc ngành mình quản lý, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, phân cấp cho các tỉnh để lập các quy hoạch cơ sở hạ tầng phục vụ trong tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, tạo sự chủ động trong bố trí không gian lập quy hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Ngoài ra, đại biểu đoàn Quảng Ninh đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, khu dân cư đô thị, nông thôn, hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa, cơ sở bảo trợ xã hội,… đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh.
Hải Minh, Ngọc Trang