Chính phủ cho phép thử nghiệm fintech trong lĩnh vực ngân hàng từ 1/7
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Hình minh họa.
Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (gọi là Cơ chế thử nghiệm) đối với việc triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng giải pháp công nghệ (gọi là giải pháp công nghệ tài chính).
Các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) được tham gia thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm bao gồm: a) Chấm điểm tín dụng; b) Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); c) Cho vay ngang hàng.
Đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (không áp dụng đối với điểm c nêu trên); các công ty công nghệ tài chính; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách hàng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến Cơ chế thử nghiệm.
Thời gian thử nghiệm các giải pháp fintech tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận tham gia. Thời gian thử nghiệm có thể được gia hạn theo quy định.
Việc triển khai thử nghiệm các giải pháp fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới.
Mục tiêu của cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.
Cơ chế thử nghiệm cũng tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý. Hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp fintech do tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm cung cấp.
Kết quả triển khai thử nghiệm giải pháp fintech được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan nếu cần thiết.
Cho vay ngang hàng (P2P): Một nhóm các nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức cung cấp khoản vay (có bảo đảm hoặc không có bảo đảm) cho người vay tiêu dùng hoặc doanh nghiệp, dựa trên nền tảng công nghệ.
Nền tảng cho vay P2P hoạt động như một thị trường kết nối người đi vay và (các) nhà đầu tư, sao cho rủi ro tổn thất tài chính nếu khoản vay không được hoàn trả sẽ thuộc về nhà đầu tư, chứ không phải với nền tảng.
Cho vay ngang hàng (P2P Lending - Peer-to-Peer Lending) là một hình thức tài chính trực tiếp kết nối người vay và người cho vay thông qua một nền tảng trực tuyến, không cần thông qua các trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng hoặc công ty tài chính. Nền tảng này cho phép người vay tìm kiếm các khoản vay phù hợp với nhu cầu cá nhân hoặc kinh doanh, còn người cho vay có thể chọn đầu tư vào các khoản vay với mức lãi suất và điều kiện mà họ mong muốn.
Tùy thuộc vào khu vực pháp lý, mô hình này có thể được gọi là Gọi vốn cộng đồng dựa trên khoản vay (Loan-based Crowdfunding), Cho vay trên thị trường (Marketplace Lending), hoặc Cho vay cộng đồng (Crowdlending).