Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM
Tầm nhìn năm 2045, Chính phủ đặt mục tiêu có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chính phủ đặt ra những mục tiêu cụ thể tương ứng với 2 mốc thời gian nhằm tạo đột phá cho sự phát triển thành phố lớn nhất cả nước.
Đối với năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.
“Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước và nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế”, nghị quyết của Chính phủ nêu.
Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, liên kết vùng
Trong chương trình, Chính phủ yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch. Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Đặc biệt, nghị quyết nêu cần ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và với giá cả phù hợp.
Các dự án được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng gồm: Vành đai 3, 4; đường cao tốc, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; xúc tiến đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng TP.HCM. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, phát triển, khai thác hiệu quả mạng đường sắt đô thị, luồng tàu đường biển, đường sông, bảo đảm kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ngoài ra, thành phố cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.
Chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của TP.HCM trong liên kết phát triển, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực, địa phương cả nước.
Chính phủ đồng thời đặt mục tiêu thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo nhà ở ven kênh rạch, chung cư cũ. Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; sử dụng có hiệu quả quỹ đất sau di dời.
Hệ thống cấp nước, thoát nước, chống ngập, xử lý chất thải cần được đầu tư xây dựng đồng bộ; quản lý nghiêm việc khai thác, sử dụng nước ngầm. Có giải pháp giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trên, trong thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND TP.HCM cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp là tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.
Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.
Trong định hướng của Chính phủ, thành phố Thủ Đức sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM. Thành phố cũng chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Chính phủ đề ra yêu cầu tập trung xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Một số ngành sẽ được ưu tiên đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy phát triển kinh tế số là: Tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế chất lượng cao...
Đặc biệt, TP.HCM cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI. Đồng thời, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước; xây dựng một số doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu.