Chính phủ đặt ra 6 thách thức với an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập

Chính phủ vừa trình đề án đặt ra những mục tiêu cụ thể để giải quyết bài toán an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập với nhu cầu kinh phí hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Chiều 16.9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ô nhiễm trầm trọng, nguy cơ sa mạc hóa nhiều nơi

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề đặt ra với an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Trong 6 thách thức được Chính phủ nêu ra, đáng lưu ý là nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia, sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chiếm tới 63%.

Việt Nam thuộc số quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới nhưng phân bố không đều cả về không gian và thời gian, dẫn đến nguy cơ mất an ninh nguồn nước ở một số vùng, một số khu vực có nguy cơ bị sa mạc hóa như Bình Thuận, Ninh Thuận.

Nguồn nước ở nhiều khu vực bị ô nhiễm trầm trọng trong khi nhu cầu ngày càng lớn. Công trình khai thác nguồn nước được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khó thay đổi công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn...

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trình bày tờ trình của Chính phủ

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trình bày tờ trình của Chính phủ

Chính vì vậy, mục tiêu chung của đề án là bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; giảm phụ thuộc vào các nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ cũng như ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước, các sự cố và chủ động tích, trữ, điều hòa nguồn nước.

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2030 dự kiến khoảng 610.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 200.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và xã hội hóa 410. 000 tỷ đồng.

Thẩm tra sơ bộ dự án, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội cho rằng một số nội dung còn mang tính chung chung hoặc đang là nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành; chưa thực sự thể hiện tính hành động trong giải quyết các vấn đề cấp thiết để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Liên quan đến kinh phí thực hiện, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần làm rõ khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách bố trí cho Đề án trong giai đoạn 2021- 2025; làm rõ căn cứ phân bổ nguồn vốn cho giai đoạn 2026-2030.

Giải pháp không tương ứng thì khó đạt được mục tiêu

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn chứng thực tế tại Isarel đã biến nước mặn thành nước ngọt để bán cho các quốc gia khác với giá cao, Singapore từ chỗ phải nhập nước từ Malaysia thì giờ đã tự chủ được việc này và còn bán ra nước ngoài.

Do đó, Việt Nam có thể đánh giá tiềm năng để học hỏi, tận dụng lợi thế, sản xuất nguồn nước vừa sử dụng trong nước, vừa xuất khẩu.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên làm việc chiều 16.9.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên làm việc chiều 16.9.

"Tại sao hiện nay vào nhà hàng, khách sạn 5 sao tại Hà Nội đều thấy sử dụng nước uống của các nước tiên tiến trên thế giới? Cần có quy định khuyến khích xã hội hóa nguồn nước; quy định rõ vai trò cơ quan quản lý, khai thác nguồn nước, xây dựng quy hoạch tài nguyên nước", ông Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề và đề nghị Đề án làm sao cân bằng rủi ro và kết quả đạt được để đảm bảo 3 yêu cầu: vấn đề xã hội, vấn đề kinh tế và vấn đề môi trường.

Còn theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, nước ngầm ở Việt Nam có trữ lượng lớn nhưng ô nhiễm không kém nước mặt, tuy nhiên, đề án ít đề cập và giải pháp còn mờ nhạt. Bà đề nghị cần có giải pháp để chủ động nguồn nước nội sinh, đó là thay đổi phong tục tập quán của người dân trong an táng (hỏa táng thay vì địa táng, quy hoạch nghĩa trang); trong chôn lấp rác thải và thay đổi công nghệ xử lý rác thải.

Cho rằng vấn đề quan trọng nhất là giải pháp vì nếu giải pháp không tương ứng thì không đạt được mục tiêu, bà Nguyễn Thị Thanh bày tỏ lo ngại một số mục tiêu sẽ khó đạt như giảm phụ thuộc vào các nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ, trong khi 63% nước ngoài lãnh thổ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, an ninh nước là một loại an ninh phi truyền thống, có mối quan hệ mật thiết với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

“Việc lợi dụng nước công trình hồ, đập thủy lợi, công trình sản xuất nước như một công cụ chiến tranh hoặc là một mục tiêu tấn công nhằm phá hoại an ninh quốc gia là nguy cơ hiện hữu trong tình hình hiện nay. Vì vậy, đề án cần tiếp cận hướng mở rộng hơn các khía cạnh về an ninh nước, an toàn đập, hồ chứa nước", ông Tới nêu quan điểm và đề nghị đánh giá toàn diện hơn, bổ sung giải pháp ngoại giao, hợp tác quốc tế trong việc phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề an ninh nguồn nước là việc rất lớn, còn bảo đảm an toàn đập, hồ là giải pháp trong việc phân bổ, lưu trữ tài nguyên nước chứ không phải nội hàm trong toàn bộ vấn đề án ninh nguồn nước; cần tách riêng bảo đảm an toàn đập, hồ thành một đề án. Bên cạnh đó, quan điểm an ninh nguồn nước gắn với quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước hay còn gọi là kinh tế hóa tài nguyên nước trong dự thảo còn mờ nhạt.

Do đây là một chủ trương lớn, liên quan đến nguồn lực đầu tư nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo VOV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/chinh-phu-dat-ra-6-thach-thuc-voi-an-ninh-nguon-nuoc-va-an-toan-ho-dap-180165