CHÍNH PHỦ ĐỀ XUẤT ĐỔI TÊN DỰ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI) THÀNH LUẬT CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC
Tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 của UBTVQH, báo cáo về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật. Theo đó, Chính phủ đề xuất đổi tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tập trung cao độ, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 4
Tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 của UBTVQH, báo cáo về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2022 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật. Theo đó, Chính phủ đề xuất đổi tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) trình Quốc hội bao gồm 12 Chương, 117 Điều (Luật HTX năm 2012 gồm 09 Chương, 64 Điều), bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Đổi tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2022 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật. Theo đó, Chính phủ trình 02 phương án, gồm: Phương án 1: Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác và Phương án 2: Luật Hợp tác xã.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ lựa chọn phương án đổi tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác với các lý do sau: Phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW xác định: “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (THT, HTX, liên hiệp HTX...)”; Phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật; Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần “hợp tác” giữa các thành viên của Liên minh HTX Quốc tế; thống nhất với thuật ngữ quốc tế về các mô hình kinh tế hợp tác - tên qu nhất với thuật ngữ quốc tế về các mô hình kinh tế hợp taế́ (ICA); Được Chính phủ thống nhất và được đa số các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương nhất trí.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, việc đổi tên dự luật còn phù hợp với quy định về “sở hữu” của Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng thời, đây cũng là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; dần xóa bỏ định kiến đối với HTX kiểu cũ.
Đối với phương án 2, một số cơ quan đề nghị giữ nguyên tên Luật HTX, lấy HTX là trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các TCKTHT khác, bảo đảm tính ổn định, thống nhất trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có dẫn chiếu đến Luật HTX, không ảnh hưởng đến việc tra cứu, sử dụng và áp dụng luật. Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật.
Đề nghị cân nhắc giữ tên Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), theo đó xác định vai trò nòng cốt của các HTX với các loại hình HTX, một mặt vẫn bảo đảm bao quát được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình HTX, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cũng về nội dung này, trước đó, tham gia góp ý vào dự luật tại các hội thảo/tọa đàm do các cơ quan liên quan tổ chức, các ý kiến chuyên gia cũng đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về tên gọi của dự án Luật. Theo đó, nhiều ý kiến ủng hộ việc giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng, tên gọi Luật Hợp tác xã đã được sử dụng từ Luật HTX năm 1996, Luật HTX năm 2003 và Luật HTX năm 2012; hệ thống chính trị và người dân đã quen với tên gọi này, ngắn họn, dễ hiểu, thuận lợi cho tuyên truyền phổ biến và áp dụng pháp luật.
Trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật khác không có quy định về thuật ngữ “tổ chức kinh tế hợp tác”. Pháp nhân theo quy định tại điều 74, 75, 76 của Bộ luật dân sự đã được định nghĩa rõ ràng gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Dự thảo Luật HTX quy định tại khoản 2 Điều 26: “2. Tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân bao gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã” là chưa phù hợp với quy định pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, mỗi loại hình HTX, liên hiệp HTX và Liên đoàn HTX có địa vị pháp lý khác nhau, nên tổ chức và hoạt động cũng khác nhau, việc nhóm vào các nội dung quy định về tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân là chưa phù hợp.
Tán thành việc giữ nguyên tên gọi, PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, không nên đổi tên Luật HTX thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác vì khái niệm HTX mang tính tương đồng với Luật của các nước khác để hội nhập, và rộng hơn khái niệm cá tổ chức kinh tế hợp tác vì bao hàm cả nội hàm phát xã hội, tương trợ mà các tổ chức thuần túy kinh tế không đảm nhiệm được.
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, đổi tên dự án Luật thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”, TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyên Phó Vụ trưởng-Phó ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân nhấn mạnh, việc đổi tên là cần thiết và đúng đắn; cách tiếp cận phù hợp với quy luật và xu hướng lâu dài.
Ở góc tiếp cận khác, Ths. Ngô Sỹ Đạt, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (AMI) - Học viện Nông nghiệp Việt Nam lại đề xuất đặt tên là “Luật Các tổ chức kinh tế tập thể” để phù hợp và thống nhất chung về tên gọi mà các Nghị quyết của Đảng đã đặt tên, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương. Các từ trong dự thảo Luật “kinh tế hợp tác” nên sửa thành “kinh tế tập thể”. Mặt khác, gọi Luật Các tổ chức kinh tế tập thể phạm vi sẽ nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng. Phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=68626