Chính phủ điện tử lấy sự hài lòng làm thước đo

Xây dựng, phát triển chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính.

Ngày 27-2, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Việt Nam (VN) - Nhật Bản: “Thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Nâng cao tính công khai, minh bạch

Tại hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh CPĐT hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số là xu hướng tất yếu, đang diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhận thức được điều này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ VN đã thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển CPĐT phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính. Đồng thời, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT.

Thời gian qua Văn phòng Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai các hệ thống: Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, hệ thống họp của Chính phủ... Trong thời gian ngắn, các hệ thống này đã đạt những kết quả đáng ghi nhận và được bình chọn là những sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu trong năm 2019.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP

Nhật Bản hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam

Tại hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN Umeda Kunio đánh giá nền chính trị của VN đang ổn định và VN đang đón chào những cơ hội lịch sử để có những bước phát triển nhảy vọt. Nhật Bản có thể hợp tác với VN mạnh mẽ hơn nữa với tư cách là đối tác chiến lược sâu rộng của VN.

Theo đại sứ, VN - Nhật Bản đã có một số kết quả nổi bật trong hợp tác cải cách hành chính, phát triển CPĐT. Cụ thể, tháng 8-2019, trong chuyến làm việc tại Nhật Bản của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hai nước đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về triển khai CPĐT giữa Văn phòng Chính phủ VN với Văn phòng Nội các và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.

Cũng trong chuyến thăm này, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại sứ Nhật Bản đã thực hiện ký công hàm trao đổi giữa hai chính phủ về dự án “Cung cấp trang thiết bị phần cứng của hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ” từ nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản.

Đại sứ Nhật Bản bày tỏ hiện nay các thủ tục thúc đẩy chương trình này đang được diễn ra nhanh chóng. “Chính phủ Nhật Bản chân thành mong muốn VN sẽ tận dụng tối đa cơ hội này để có bước phát triển bền vững, không chỉ với VN mà còn vì sự phát triển ổn định, phồn vinh của các nước châu Á” - đại sứ Nhật Bản nói.

11.000 hồ sơ trực tuyến qua cổng được xử lý thành công

Với việc thúc đẩy gửi nhận văn bản điện tử thông qua trục liên thông văn bản quốc gia, từ tháng 3-2019 đến ngày 25-2-2020, 1,3 triệu văn bản điện tử đã được gửi nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó, số lượng văn bản điện tử gửi nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp hai lần.

Việc thiết lập và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia cũng mang lại hiệu quả bước đầu. Cụ thể, sau hơn hai tháng khai trương (tháng 12-2019), hơn 65.900 tài khoản đăng ký, hơn 17 triệu lượt đã truy cập cùng khoảng 1.925.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cùng đó là 11.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chinh-phu-dien-tu-lay-su-hai-long-lam-thuoc-do-892812.html