Chính phủ điện tử: Người dân là trung tâm

Phải làm sao cho người dân thấy công nghệ thông tin là dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng thì công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử mới thành công

Sáng 17-9, tại TP HCM, Tập đoàn Dữ liệu Quốc gia tại Việt Nam (IDG Việt Nam), Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 với chủ đề "Phát triển Chính phủ điện tử thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, hướng đến Chính phủ số - mô hình và giải pháp".

Vai trò người đứng đầu vô cùng quan trọng

Theo IDG Việt Nam, xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc hiện tại cho thấy Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nằm trong tốp 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử thì Việt Nam còn nhiều việc cần thực hiện để hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp.

Nêu giải pháp, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết bộ này đang lập kế hoạch Chính phủ số với lộ trình 2021-2025 và 2025-2030. Theo đó, nhấn mạnh chuyển đổi số tức là thay đổi tổng thể và toàn diện về cách nghĩ, cách làm. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số bởi "không ai dám thay đổi nếu người đứng đầu không cho phép".

Các đại biểu tham quan và trải nghiệm những sản phẩm về công nghệ thông tin tại hội thảo

Các đại biểu tham quan và trải nghiệm những sản phẩm về công nghệ thông tin tại hội thảo

Nhìn từ góc độ hệ thống pháp luật trong quá trình chuyển đổi số, ông Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội - nói trong định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phải lưu ý về quyền con người, quyền công dân trong xã hội số như quyền định danh điện tử; quyền tiếp cận, khai thác tài nguyên, dịch vụ; quyền riêng tư và bảo vệ quyền riêng tư; quyền được bảo đảm an toàn trên mạng. "Việc quản trị nhà nước trên môi trường số phải bảo đảm thực hiện các công việc của nhà nước một cách có hiệu quả; phục vụ người dân, thỏa mãn nhu cầu và bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân, tổ chức, doanh nghiệp; công bằng, công khai, minh bạch, giám sát, phản biện, trách nhiệm giải trình, hiệu lực, hiệu quả" - ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Dẫn một số bài học trong triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), nói phải có quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm chỉ đạo. Cùng với đó là thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý; vai trò của cơ quan điều phối; cải cách dẫn dắt, công nghệ thông tin là công cụ; truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức toàn xã hội. Để làm được điều này thì cần lựa chọn thủ tục hành chính phù hợp, ưu tiên những thủ tục có nhu cầu lớn, liên quan đến nhiều cơ quan. Đẩy nhanh việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử và thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ hành chính cấp 4, không mất chi phí, thời gian để nộp hồ sơ giấy.

Từ việc triển khai dịch vụ công quốc gia, nhiều đại biểu dự hội thảo cũng cho rằng nên hướng đến mục tiêu cụ thể, chọn cung cấp ít dịch vụ nhưng nhiều người dùng.

Mục tiêu tối thượng: Phục vụ người dân

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhấn mạnh phải xem người dân là trung tâm, kế đến phải để người dân thấy công nghệ thông tin là dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng thì công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử mới thành công.

Nói về cách làm của TP HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết TP HCM đã nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, tập trung cải cách ngay trong chính nội bộ các cơ quan nhà nước và cải cách trong việc cung cấp dịch vụ công tới người dân, doanh nghiệp. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 17 và Kiến trúc chính quyền điện tử TP HCM, kết quả bước đầu cho thấy nhiều dấu ấn trong sự kết nối ngày càng tiện lợi giữa người dân và chính quyền. Hiện TP đã có 1.335 dịch vụ công, trong đó 970 mức 3 và 356 mức 4. Hệ thống thông tin một cửa điện tử TP kết nối 18 sở, ban, ngành; 24 quận, huyện; vận hành kho dữ liệu dùng chung của TP.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, chặng đường xây dựng chính quyền điện tử TP HCM còn tiếp tục với rất nhiều công việc cần làm. TP HCM đã ban hành Quy chế tích hợp và vận hành kho dữ liệu dùng chung để tạo hành lang pháp lý tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có của TP về kho dữ liệu dùng chung. "Một thông điệp chắc chắn, dữ liệu dùng chung là nguồn lực, là tài sản quý giá và các cơ quan ở TP không độc quyền sử dụng" - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh. Ông cho hay TP HCM sẵn sàng mở ra các kênh chia sẻ dữ liệu, thông tin giúp người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng. Bằng cách tích hợp và sẻ chia dữ liệu dùng chung, mọi người cùng tiếp cận, khai thác để phát huy thế mạnh và cùng đóng góp cho sự phát triển của TP HCM.

Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh thực hiện Kiến trúc chính quyền điện tử trên địa bàn TP gắn bó chặt chẽ với xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh. Ông khẳng định: "Trong từng lộ trình, triển khai xây dựng chính quyền điện tử TP HCM cũng đều nhất quán lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; cải tiến quy trình nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước cho liên thông với nhau sao cho trước hết và cuối cùng cũng là để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất".

Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến ngày càng tăng

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, cho biết sau 9 tháng vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.194 dịch vụ công trực tuyến với 6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Hệ thống thanh toán trực tuyến đáp ứng thanh toán cho tài khoản của 38/46 ngân hàng và đã xử lý 13.600 giao dịch. Cổng dịch vụ công cũng đã đạt trên 66 triệu lượt truy cập, trên 265.000 tài khoản đăng ký hơn 17 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái.

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, hiện nay các bộ, ngành, địa phương đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao, đạt tỉ lệ 97,3% đúng hẹn. Tỉ lệ cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tăng nhanh; tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công cũng tăng.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chinh-phu-dien-tu-nguoi-dan-la-trung-tam-20200917212355675.htm