Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 833/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm 3.096,187 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho Bộ Khoa học và Công nghệ để điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho Bộ Ngoại giao 117,627 tỷ đồng và các địa phương: Yên Bái 7,253 tỷ đồng; Bắc Kạn 22,147 tỷ đồng; Phú Thọ 48,898 tỷ đồng; Hải Dương 75,584 tỷ đồng; Nghệ An 589,298 tỷ đồng; Hà Tĩnh 162,4 tỷ đồng; Quảng Trị 205,776 tỷ đồng; Ninh Thuận 62,1 tỷ đồng; TP.HCM 1.503,314 tỷ đồng và Hậu Giang 301,79 tỷ đồng.
Đồng thời, điều chỉnh giảm 6.038,954 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các nhiệm vụ, dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn để điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Chính phủ cũng giao 2.920,7 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho Bộ Y tế 2.420,7 tỷ đồng; Đại học Quốc gia Hà Nội 500 tỷ đồng theo tổng mức và cơ cấu ngành, lĩnh vực quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, giao danh mục và mức vốn ngân sách trung ương bố trí kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho từng dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 được giao, bổ sung, điều chỉnh ở trên thông báo hoặc quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các nhiệm vụ, dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, đúng mục đích, hiệu quả.
Cùng với đó, chỉ đạo đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan; có trách nhiệm hoàn thành các dự án điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đúng thời gian theo quy định của Luật Đầu tư công; không đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung thêm vốn ngân sách trung ương cho các dự án đã điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Mặt khác, để bảo đảm quản lý và sử dụng vốn hiệu quả, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được yêu cầu thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, bảo đảm quản lý và sử dụng vốn hiệu quả.
Ngoài ra, thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội và quy định có liên quan. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm năm 2024, tỉ lệ giải ngân ước đạt 28% kế hoạch, đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đến hết tháng 6/2024 có 12/44 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỉ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn 32/44 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt có một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội… Riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tỷ lệ giải ngân 0% do chưa phân bổ kế hoạch vốn.
Một số địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 15% như Hải Dương, Bắc Ninh, TP.HCM, Hưng Yên. Tình hình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia đạt cao hơn so với tỉ lệ giải ngân bình quân chung 5 tháng của cả nước. Đến hết ngày 31/5, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 21.920,18 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,1% kế hoạch năm 2024 được giao.