Chính phủ đồng ý bảo lãnh cho Vietnam Airlines mua thêm 50 tàu bay?

Bộ trưởng Tài chính sẽ làm việc với Vietnam Airlines để thống nhất việc bảo lãnh từ Chính phủ đối với các khoản vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và báo cáo lại thường trực Chính phủ trước ngày 25/5.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã: HVN).

Theo đó, Thường trực Chính phủ đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính để thực hiện dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines theo chủ trương đã được Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đồng ý ngày 28/4.

Cụ thể, đồng ý để Vietnam Airlines vừa xây dựng dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, vừa đàm phán với nhà sản xuất tàu bay theo quy định tại Nghị định số 110 về quản lý hoạt động thuê, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư tàu bay.

 Chính phủ giao Bộ Tài chính làm việc với Vietnam Airlines về việc mua 50 tàu bay. Ảnh HVN.

Chính phủ giao Bộ Tài chính làm việc với Vietnam Airlines về việc mua 50 tàu bay. Ảnh HVN.

Chính phủ cũng cho phép Vietnam Airlines được đặt cọc (có hoàn trả) để giữ lịch tàu bay và các ưu đãi khác trước khi lập dự án hoặc ký kết hợp đồng mua tàu bay theo quy định tại Nghị định số 110.

Chính phủ giao Bộ trưởng Tài chính làm việc với Vietnam Airlines để thống nhất việc bảo lãnh từ Chính phủ đối với các khoản vay của hãng từ các tổ chức tín dụng nước ngoài. Báo cáo lại Thường trực Chính phủ trước ngày 25/5.

Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2025 diễn ra ngày 15/5 vừa qua của Vietnam Airlines, cổ đông đã thông qua phương án phát hành 900 triệu cổ phiếu phổ thông nhằm tăng vốn lên 9.000 tỷ đồng của hãng và phương án đầu tư mua sắm 50 máy bay thân hẹp loại Airbus A320NEO hoặc Boeing B737 MAX, kèm theo 10 động cơ dự phòng. Tổng mức đầu tư cho dự án này lên tới khoảng 92.800 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD).

Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa nhấn mạnh dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp là dự án rất quan trọng của Vietnam Airlines trong giai đoạn mới và đây cũng là yêu cầu tối thiểu để Vietnam Airlines phát triển.

Theo tờ trình về việc quyết định đầu tư dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp trị giá 3,5 tỷ USD, nguồn vốn để thực hiện thương vụ này dự kiến gồm 1,66 tỷ USD (khoảng 43.000 tỷ đồng) vốn chủ sở hữu và 1,92 tỷ USD (tương đương 49.700 tỷ đồng) vốn vay. Vietnam Airlines lên kế hoạch mua 50 tàu bay thân hẹp dưới 200 ghế chủng loại A320Neo của Airbus hoặc B737Max8 của Boeing.

Dự kiến năm 2030 Vietnam Airlines sẽ bắt đầu nhận 14 tàu bay trước, năm 2031 nhận thêm 18 tàu bay và 18 tàu bay còn lại sẽ được giao vào năm 2032. Dù vậy, theo ông Hòa, việc bàn giao và tiếp nhận tàu bay còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ thực hiện của các nhà sản xuất do các đơn hàng của các hãng này đều đang quá tải.

Cũng tại đại hội, thông tin về tình hình kinh doanh của hãng, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cho biết trong quý I/2025, Vietnam Airlines đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế gần 3.625 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước và vận chuyển 6,2 triệu lượt hành khách.

Đóng góp vào tăng trưởng quý I/2025 còn có mảng vận tải hạng hóa và sự thuận lợi về giá nhiên liệu. So với năm 2024, giá nhiên liệu năm nay thấp hơn khoảng 5%, giúp giảm chi phí nguyên liệu đáng kể cho hãng.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cũng khẳng định Vietnam Airlines vẫn đang gặp khó khăn liên quan đến động cơ với đội bay 100 chiếc nhưng có tới hơn 10 chiếc phải bảo dưỡng, sửa chữa động cơ nên hãng đã nghiên cứu tăng hiệu quả sử dụng slot bay để tăng công suất, giảm chi phí, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Hà, dù số lượng máy bay còn thiếu nhưng Vietnam Airlines vẫn đạt hiệu suất khai thác cao khoảng 11,5 giờ/chiếc máy bay thân hẹp cao hơn 1,5 giờ so với trước đại dịch, cung ứng đủ xuất bay ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2025 doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt gần 30.362 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024, lợi nhuận sau thuế đạt 3.486 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 59.838 tỷ đồng, tăng hơn 1.650 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đã cải thiện từ mức âm 9.344 tỷ đồng đầu năm xuống còn âm 5.854 tỷ đồng, tương đương giảm 3.490 vào cuối quý I/2025.

Tại ngày 31/3, khoản lỗ lũy kế chưa phân phối của HVN giảm từ -33.164 tỷ đồng còn -30.125 tỷ đồng. Nếu duy trì được đà có lãi trong các quý tới, Vietnam Airlines có thể tiến tới xóa lỗ lũy kế trong thời gian không xa.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chinh-phu-dong-y-bao-lanh-cho-vietnam-airlines-mua-them-50-tau-bay.html