Thu hút FDI thế hệ mới: Nhân lực chất lượng cao là yếu tố tiên quyết

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục biến động, Việt Nam vẫn duy trì sức hút mạnh mẽ với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025, bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, trong năm 2024, con số này đạt 38,23 tỷ USD và đưa Việt Nam vào top 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới, với gần 400 dự án được cấp phép.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng kỷ lục

Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng kỷ lục

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là tín hiệu tích cực, phản ánh niềm tin của các tập đoàn đa quốc gia vào môi trường đầu tư ổn định, chính sách mở cửa và tiềm năng thị trường của Việt Nam. Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang mang lại cơ hội “vàng” để Việt Nam vươn lên thành trung tâm sản xuất mới tại châu Á. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành lợi thế dài hạn, Việt Nam cần chuyển từ tư duy thu hút số lượng sang chất lượng.

Không thể dựa mãi vào lao động giá rẻ

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Muốn giữ chân nhà đầu tư lớn, chúng ta phải chuyển sang thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên thực tế, các tập đoàn FDI như Samsung, Intel, LG... tại Việt Nam đang từng bước chuyển sang những khâu sản xuất cao cấp hơn, đòi hỏi hạ tầng đồng bộ, thể chế hiện đại và nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Nếu không cải thiện nhanh các yếu tố này, Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh vào tay các quốc gia như Indonesia, Philippines hay Ấn Độ - những nơi cũng đang ráo riết cải thiện môi trường đầu tư.

Cần thay đổi tư duy chiến lược trong dài hạn

Cần thay đổi tư duy chiến lược trong dài hạn

Trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn nhân lực không còn chỉ là yếu tố hỗ trợ, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để các tập đoàn đa quốc gia ra quyết định đầu tư lâu dài. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng nếu không kịp nâng cấp chất lượng lao động, lợi thế về vị trí địa lý và ổn định chính trị sẽ khó phát huy trọn vẹn.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chỉ khoảng 11% lực lượng lao động Việt Nam được đào tạo bài bản, có chứng chỉ nghề nghiệp. Trong khi đó, các ngành mà FDI đang tập trung như công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, tự động hóa, logistics... đều yêu cầu kỹ năng kỹ thuật, khả năng ngoại ngữ và tư duy số.

Ông Shigeki Takeuchi, đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam có dân số trẻ, chăm chỉ, nhưng thiếu hụt nghiêm trọng kỹ sư, kỹ thuật viên trình độ cao, đặc biệt ở các tỉnh ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Việc tuyển dụng mất nhiều thời gian, chi phí tăng, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất”.

Tại nhiều khu công nghiệp ở miền Bắc và miền Trung, tình trạng thiếu hụt lao động kỹ thuật đang diễn ra rõ rệt.

"Vấn đề không phải là không có người, mà là có rất ít người đáp ứng yêu cầu chuyên môn và ngoại ngữ. Doanh nghiệp FDI không thể cứ mãi đào tạo từ đầu vì thời gian và chi phí quá lớn. Chúng tôi rất mong muốn hợp tác dài hạn với các trường nghề để đào tạo theo nhu cầu thực tế"", bà Trần Thị Ngọc Linh, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Hansae Việt Nam chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp khó chọn được nhân lực chất lượng cao

Nhiều doanh nghiệp khó chọn được nhân lực chất lượng cao

Liên kết doanh nghiệp - giáo dục đào tạo

TS. Vũ Xuân Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp phân tích, giải pháp căn cơ không nằm ở mở thêm trường hay tăng chỉ tiêu đào tạo, mà ở sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường. Cần chuyển hẳn sang mô hình "đào tạo theo đơn đặt hàng", trong đó doanh nghiệp tham gia thiết kế chương trình, giảng dạy và đánh giá đầu ra. Đây là cách mà Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm rất thành công.

Thực tế, một số địa phương và doanh nghiệp đã tiên phong theo mô hình này. Tại Đồng Nai, Công ty Bosch phối hợp với Trường Cao đẳng LILAMA 2 triển khai đào tạo nghề kép theo chuẩn Đức với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt trên 95%. Tại Hải Phòng, Tập đoàn LG đã hợp tác với các trường cao đẳng kỹ thuật địa phương để đào tạo kỹ sư điện - điện tử trình độ cao.

Từ góc độ chính sách, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định rõ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao là một trong các giải pháp chiến lược, trong đó cũng nhấn mạnh việc đầu tư cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nâng chuẩn kỹ năng lao động và thúc đẩy đào tạo lại lực lượng lao động đang làm việc.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, Chính phủ cần coi phát triển nhân lực là một cấu phần bắt buộc trong chiến lược thu hút FDI chất lượng cao. Không thể chỉ kêu gọi đầu tư, mà phải song hành với đào tạo nhân lực như một cam kết hai chiều giữa Nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Trong kỷ nguyên sản xuất thông minh và kinh tế xanh, lao động giá rẻ không còn là lợi thế lâu dài. Thay vào đó, lao động có kỹ năng - linh hoạt - sáng tạo mới là “nam châm” hút các tập đoàn công nghệ cao. Nếu Việt Nam có thể xây dựng được lực lượng nhân lực chất lượng cao, gắn với các ngành mũi nhọn như điện tử, chế biến sâu, AI, công nghệ sinh học..., thì sẽ không chỉ là nơi lắp ráp, mà còn trở thành mắt xích trung tâm trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thu-hut-fdi-the-he-moi-nhan-luc-chat-luong-cao-la-yeu-to-tien-quyet-164482.html