Chính phủ Đức sẽ đóng băng tiền thuê nhà
Biện pháp này nhằm mục đích giảm bớt căng thẳng của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người dân tại nền kinh tế 'đầu tàu' châu Âu.
Theo một nhân vật cấp cao trong liên minh cầm quyền của nước này, Berlin đang xem xét áp dụng lệnh đóng băng tiền thuê nhà trên toàn quốc trong ba năm nhằm nỗ lực kiểm soát chi phí nhà ở tại nền kinh tế lớn nhất EU.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá thuê tăng vọt gây khó khăn cho người thuê nhà khi người Đức phải vật lộn với hậu quả từ cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát vẫn ở mức cao kể từ năm ngoái.
Verena Hubertz, Phó lãnh đạo nhóm nghị viện của Đảng Dân chủ Xã hội, nói với Bild am Sonntag vào tuần trước: “Chúng tôi cần tạm hoãn tiền thuê nhà cho người dân - chúng tôi cần giữ nguyên tiền thuê nhà trong ba năm tới”.
Theo kế hoạch, chủ nhà có thể bị buộc phải hoàn trả tiền thuê nhà được coi là “cắt cổ” nếu mức giá tính trên 20% so với mức thị trường địa phương ở những khu vực có nguồn cung nhà hạn chế.
Chính phủ cũng đang lên kế hoạch thắt chặt các quy định hiện có để hạn chế việc tăng tiền thuê nhà, vì những căn hộ được trang bị sẵn tiện nghi cho thuê chỗ ở tạm thời không phải lúc nào cũng nằm trong phạm vi hạn chế.
Các quy định hiện hành nhằm điều chỉnh giá thuê trần thị trường bất động sản của đất nước tăng ở mức 20% trong ba năm hoặc 15% ở những khu vực được chỉ định là có thị trường nhà ở đặc biệt chặt chẽ. Theo Chính phủ liên bang, Berlin đã đồng ý hạ mức trần này xuống 11%, nhưng điều này là chưa đủ.
Các hạn chế mới sẽ cho phép giá thuê tăng tối đa 6% ở các thành phố có nhu cầu rất cao và việc đóng băng toàn bộ sẽ được áp dụng trên toàn bộ phần còn lại của đất nước.
Giá thuê đã tăng ở mức kỷ lục trong năm nay ở Đức. Theo truyền thống, chi phí nhà ở ở nước này đủ ổn định để cho phép các gia đình không mua tài sản riêng mà sống trong một ngôi nhà hoặc căn hộ thuê trong suốt cuộc đời của họ.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, trong số 41 triệu hộ gia đình ở Đức, có ít hơn 60% hiện đang sống trong nhà thuê.
Đức cũng đang phải đối mặt với mức giá cao hơn đối với các hàng hóa khác. Lạm phát giá tiêu dùng chung là 6,2% trong năm tính đến tháng 7, so với mức trung bình của Eurozone là 5,3%. Lạm phát dai dẳng đã đẩy Đức vào suy thoái trong 3 tháng đầu năm nay do nước này bị ảnh hưởng đáng kể do nguồn cung năng lượng từ Nga giảm.
Lê Na (Theo RT)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-phu-duc-se-dong-bang-tien-thue-nha-post262878.html