Chính phủ Đức thảo luận dự luật mới về việc hồi hương người di cư
Nhiều quy định được đưa vào dự luật như tăng thời gian tạm giữ trước khi trục xuất tối đa từ 10 ngày lên 28 ngày để các cơ quan chức năng có thêm thời gian cho việc chuẩn bị trục xuất.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 11/10, Bộ Nội vụ Đức đã trình chính phủ nước này một dự luật mới về việc trục xuất và hồi hương người di cư.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết luật mới sẽ là một bước quan trọng nhằm hạn chế tình trạng di cư bất thường vào Đức. Để đạt được mục tiêu này, dự thảo luật quy định các thủ tục hiệu quả hơn về hồi hương người di cư, đảm bảo những người không được chấp nhận phải rời khỏi nước Đức một cách nhất quán và nhanh chóng. Theo Bộ trưởng Faeser, dự luật sẽ giúp việc trục xuất tội phạm và những người nguy hiểm cho xã hội được tiến hành thuận lợi hơn.
Nhiều quy định được đưa vào dự luật như tăng thời gian tạm giữ trước khi trục xuất tối đa từ 10 ngày hiện tại lên 28 ngày để các cơ quan chức năng có thêm thời gian cho việc chuẩn bị trục xuất; việc trục xuất những người đã bị kết án tù hoặc các thành viên tổ chức tội phạm sẽ được thực hiện dễ dàng; các hành vi vi phạm lệnh cấm nhập cảnh và cư trú được quy định là lý do độc lập để tạm giam chờ trục xuất... Ngoài ra, dự thảo luật cũng có nhiều quy định nhằm giảm bớt gánh nặng cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Bộ trưởng Faeser nhấn mạnh nước Đức đang thực hiện trách nhiệm nhân đạo của mình đối với 1,1 triệu người tị nạn từ Ukraine và những người khác đang tìm kiếm sự bảo vệ. Đây là một nỗ lực to lớn của toàn thể nước Đức.
Để đảm bảo điều này và bảo vệ quyền cơ bản được tị nạn, nước Đức đồng thời phải hạn chế đáng kể việc di cư bất hợp pháp. Bất cứ ai không có quyền ở lại Đức đều phải rời khỏi đây.
Hiện tại, số lượng người di cư phải hồi hương trong năm nay đã tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên các quy định vẫn cần phải thay đổi đáng kể cho phù hợp.
Dự kiến, dự thảo luật sẽ được nội các liên bang Đức thảo luận và thông qua, trước khi trình Quốc hội liên bang Đức xem xét và chính thức ban hành thành luật./.