Chính phủ giải thích lý do xu hướng đảo nợ ngày càng cao

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, giai đoạn vừa qua, mặc dù việc cân đối NSNN được bảo đảm, nợ công vẫn trong mức cho phép, song cần lưu ý về số vay để đảo nợ có xu hướng ngày càng cao.

Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2023 ước đạt 311.537 tỷ đồng - Ảnh minh họa.

Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2023 ước đạt 311.537 tỷ đồng - Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, việc bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, bội thu, kết dư của ngân sách Trung ương để trả nợ gốc còn hạn chế, mà chủ yếu lấy từ nguồn vay mới để trả nợ cũ (đảo nợ).

Đó là thực tế được nêu tại báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực tài chính, vừa được Chính phủ gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Với yêu cầu triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), liên quan đến bố trí nguồn trả nợ gốc các khoản vay của NSNN, báo cáo nêu rõ, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ thì nguồn trả nợ gốc các khoản vay của NSNN gồm số vay mới, bội thu, kết dư, tăng thu, tiết kiệm chi NSNN hàng năm.

Hiện nay, trong bối cảnh cân đối NSTW khó khăn, còn phải bội chi cho đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Vì vậy, trong những năm qua, việc bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, bội thu, kết dư của NSTW để trả nợ gốc còn hạn chế, mà chủ yếu lấy từ nguồn vay mới để trả nợ cũ (đảo nợ) – Chính phủ lý giải.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng từng nhận xét, giai đoạn vừa qua, mặc dù việc cân đối NSNN được bảo đảm, nợ công vẫn trong mức cho phép, song cần lưu ý về số vay để đảo nợ có xu hướng ngày càng cao.

Chính phủ cho biết, năm 2022, trong điều kiện NSTW có tăng thu lớn, để giảm vay và áp lực trả nợ các khoản vay ngân quỹ nhà nước kéo dài nhiều năm, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị phê duyệt chủ trương để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn tăng thu NSTW 2022, trong đó bố trí để tăng trả nợ gốc ngân quỹ nhà nước số tiền 30.000 tỷ đồng.

Trong các năm tới, trường hợp NSTW có tăng thu, bội thu, tiết kiệm chi, kết dư, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tiếp tục sử dụng một phần từ nguồn này để tăng trả nợ gốc vay của NSTW.

Ở báo cáo riêng về nợ công, Chính phủ cho biết tổng trả nợ của Chính phủ năm 2023 ước đạt 311.537 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp ước đạt 279.742 tỷ đồng, bằng 95,3% dự toán; trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước đạt 31.795 tỷ đồng, bằng 93,8% kế hoạch.

Với năm 2024 tổng nhu cầu vay của Chính phủ là 676.057 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi NSTW là 372.900 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của NSTW khoảng 287.034 tỷ đồng; vay về cho vay lại là 16.123 tỷ đồng.

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 395.874 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 287.034 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 108.840 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 58.245 tỷ đồng (trả gốc khoảng 50.502 tỷ đồng, trả lãi khoảng 7.743 tỷ đồng).

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chinh-phu-giai-thich-ly-do-xu-huong-dao-no-ngay-cang-cao-d200448.html