Chính phủ Hàn Quốc bất lực trước khủng hoảng y tế sau 4 tháng?

Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) tuyên bố vào thứ Ba rằng các bác sĩ sẽ bắt đầu đình công tập thể vô thời hạn từ ngày 27/6, bất chấp cảnh báo của Tổng thống.

Đoàn bác sĩ biểu tình tại Yeouido, Seoul. Ảnh: Yonhap

Đoàn bác sĩ biểu tình tại Yeouido, Seoul. Ảnh: Yonhap

Cùng ngày, đã có hơn 12.000 bác sĩ trẻ tập trung trên đường phố khu vực phía Tây của Seoul cáo buộc Chính phủ đang phá hoại hệ thống y tế.

Ông Lim Hyun-taek, Chủ tịch KMA, cho biết các bác sĩ sẽ dừng làm việc vô thời hạn nếu Chính phủ không chấp nhận "những yêu cầu công bằng" của họ, bao gồm đàm phán lại về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y, sửa đổi các gói chính sách y tế và xóa bỏ tất cả những hình phạt hành chính đối với bác sĩ trẻ và sinh viên y khoa.

Trong tuyên bố trước khi cuộc biểu tình diễn ra, ông Lim cũng yêu cầu Chính phủ "tôn trọng các bác sĩ như những chuyên gia cứu người chứ không phải nô lệ". Ông nói thêm rằng cuộc biểu tình đóng vai trò truyền tải tiếng nói của khoảng 140.000 bác sĩ trên toàn quốc.

Ông tuyên bố các bác sĩ sẽ tiếp tục chống đối cho đến khi thái độ của chính phủ thay đổi, đồng thời kêu gọi các bác sĩ "tham gia lực lượng để cứu ngành y tế công khỏi sự độc đoán của Chính phủ".

Ông Hwang Kyu-seok, giám đốc Hiệp hội Y khoa Seoul, cho biết việc phải gác lại công việc cứu bệnh nhân để biểu tình là điều "đau lòng".

Mặc dù lưu ý rằng công chúng có "quyền được điều trị y tế", ông nói rằng Chính phủ Hàn Quốc "có nghĩa vụ bảo vệ những quyền lợi và tính mạng của người dân".

Những người biểu tình xếp thành hàng dài 500 mét, lấp đầy ba làn đường.

KMA phân phát cho người biểu tình mũ giấy kèm khẩu hiệu "Ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế" và các biển hiệu bỏ túi ghi dòng chữ "Can thiệp quá mức vào hệ thống y tế và giáo dục y khoa sẽ dẫn đến sự sụp đổ".

Khi nhiệt độ cao nhất trong ngày lên gần 33 độ C, hàng trăm người biểu tình đã núp dưới những tấm che nắng và tán cây.

Yoon Myung-ki, một bác sĩ trẻ tại Trung tâm Y tế Asan, nói với tờ Korea JoongAng Daily tại cuộc biểu tình: "Tôi đã quyết định tham gia biểu tình để đảm bảo tiếng nói của các bác sĩ trẻ được lắng nghe".

"Họ đã kêu gọi Chính phủ hủy bỏ toàn bộ gói chính sách y tế kể từ tháng 2", Yoon nói, cho rằng các bác sĩ trẻ "không chỉ phản đối việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào ngành y".

Ông Yoon cho biết các vấn để hiện tại nằm ở những "định hướng chính sách y tế" và "điều kiện làm việc kém” khiến hàng nghìn bác sĩ trẻ phải rời khỏi bệnh viện.

Các giáo sư y khoa tại Trung tâm Y tế Asan dự kiến sẽ bắt đầu đình công từ ngày 4/7.

Trong cuộc họp Nội các trước đó vào thứ Ba, Tổng thống Yoon Suk Yeol cảnh báo rằng một "phản ứng nghiêm khắc" là điều "không thể tránh khỏi" nếu các bác sĩ từ chối điều trị bệnh nhân, ông cũng cáo buộc các bác sĩ đang "bỏ qua nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng".

Tổng thống Yoon cũng "rất tiếc" vì các giáo sư y khoa bắt đầu đình công vào thứ Hai. Hiên KMA đang thuyết phục các bác sĩ tư nhân đóng cửa phòng khám từ thứ Ba như một cách biểu tình.

Cùng ngày, Bộ Y tế giải thích tại sao họ cho rằng việc đóng cửa các phòng khám tư nhân là "bất hợp pháp" vì thông thường các phòng khám này chỉ có một bác sĩ.

Trong cuộc họp báo của Bộ Chỉ huy Phòng chống thảm họa và an toàn Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Jun Byung-wang cho biết các bệnh viện không phạm tội "từ chối điều trị" vì chính bản thân các bệnh viện không đóng cửa.

Ông nói rằng ngay cả khi một số giáo sư y khoa nghỉ việc, các bác sĩ còn lại vẫn có thể tiếp tục thực hiện những dịch vụ y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cảnh báo KMA vì đã dàn xếp cuộc biểu tình, cho biết hiệp hội có thể bị "giải tán" nếu tiếp tục các hành động không phù hợp với nghĩa vụ xã hội của mình là bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ông Jun cho biết Bộ có thể ban hành lệnh mới cho KMA để ngăn chặn những ảnh hưởng cho cộng đồng mà họ đang gây ra.

Theo Bộ Y tế, chỉ có 7,6% trong số 13.756 bác sĩ trẻ trên toàn quốc có mặt tại nơi làm việc vào thứ Hai.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chinh-phu-han-quoc-bat-luc-truoc-khung-hoang-y-te-sau-4-thang.html