Chính phủ họp với các địa phương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tác động của dịch Covid-19
Ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương; tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chống dịch như: không bố trí hơn 2 người trong một phòng, bảo đảm khoảng cách ghế ngồi…
Trong quý I, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành gặp khó khăn, một số lĩnh vực của nền kinh tế bị đình trệ, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng hóa bị gián đoạn; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm cho người lao động trong ngắn hạn. Kéo theo mức tăng trưởng kinh tế bình quân chung của cả nước giảm, chỉ đạt 3,82%, bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra, nằm ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên nhiều lĩnh vực như: Gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng); bố trí vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD để giải ngân trong năm 2020.... Đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính, ngành Thuế thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhằm tạo “cú hích” vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về 4 nhóm vấn đề cụ thể. Trong đó nhấn mạnh, các giải pháp mà Chính phủ cùng các bộ, ngành đưa ra thời gian qua rất kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như Nghị định số 41/2020NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch với các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay ưu đãi tới 6 nhóm đối tượng lên tới 62.000 tỷ đồng...
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng. “Chúng ta phải chủ động thích ứng với khó khăn để vượt qua, quyết tâm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam cần phát huy tốt hơn nữa đồng thời nắm bắt cơ hội sau khi khống chế, giảm dần, loại bỏ dịch bệnh Covid- 19 để từ cuối quý 2 trở đi cả nước vực dậy nền kinh tế”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu ngay sau hội nghị này, các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, cùng Chính phủ điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa để giữ vững tăng trưởng phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Các bộ, ngành trung ương, các địa phương cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, có chương trình bảo vệ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất công nghiệp-xây dựng, nông lâm nghiệp-thủy sản, đảm bảo an ninh lương thực;... Với khu vực du lịch, dịch vụ đang bị ảnh hưởng nặng nề cần chú trọng biện pháp xử lý tháo gỡ cho phù hợp với thực tế. Riêng vốn đầu tư công đang bị tồn đọng lớn chưa giải ngân được, các bộ ngành phải có biện pháp, cơ chế tháo gỡ để thúc đẩy giải ngân. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát lưu thông thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá làm lũng đoạn thị trường.
Đối với an ninh trật tự, cần có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, chống các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin, đồng thời làm tốt công tác bảo hộ công dân trong mọi tình hình. Trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ, cần đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, phát hiện xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, kiểm soát, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm phát huy tối đa hiệu quả các gói hỗ trợ ở từng lĩnh vực…