Chính phủ lại lùi thời gian dự án sửa đổi Luật đất đai sang giai đoạn năm 2023
Được biết, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh năm 2021 không có nội dung sửa đổi Luật đất đai 2013.
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 14/6, các đại biểu đã cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình 2021.
Về điều chỉnh chương trình năm 2021, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
Trong chương trình năm 2022, kỳ họp thứ 2 vào cuối năm 2021 sẽ đem ra thảo luận và tới kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa XV (tháng 4/2022), có 6 dự án luật được xem xét, thông qua: Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Thanh tra; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cảnh sát cơ động.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho ý kiến với 3 dự án tại kỳ họp thứ 3: Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ bản thống nhất ý kiến đề nghị của Chính phủ và của các cơ quan thẩm tra đối với 4 dự án luật được đưa vào chương trình năm 2022. Dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua, cho ý kiến tại các kỳ họp sắp tới cũng như thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 điều chỉnh năm 2022.
Về các dự án luật không tiếp tục được xây dựng, thường trực Ủy ban Pháp luật đồng ý không làm tiếp 8/18 dự án bởi nhiều nội dung đã được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác.
Còn lại 10 dự án sẽ được lên kế hoạch, bổ sung, xây dựng tiếp gồm: Luật về hàm, cấp ngoại giao; Luật tình trạng khẩn cấp; Luật bình đẳng giới (sửa đổi); Luật công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; Luật năng lượng nguyên tử; Luật dân số; Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật về hội; Luật biểu tình; Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.
Như vậy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đến hết năm 2022 chưa đề cập về sửa đổi, bổ sung Luật đất đai 2013. Đã có thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thắc mắc tại sao Chính phủ vẫn chưa trình vì bộ đang bị đánh giá là còn tồn tại và có nhiều bất cập.
Giải thích cho vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường đã đề nghị làm. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án luật này vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định sửa đổi dự án Luật đất đai 2013 là một vấn đề lớn. Đây là một luật quan trọng bậc nhất, có tính quyết định và ảnh hưởng đến hàng loạt các Luật liên quan khác, do đó cần cân nhắc thật kỹ.
Dự án sửa đổi Luật Đất đai từng được Quốc hội đem ra thảo luận nhiều lần tại các kỳ họp trước, việc Chính phủ nhiều lần trì hoãn khiến nhiều đại biểu phải băn khoăn, lên tiếng đặt câu hỏi về vấn đề này.