Chính phủ mới của Pakistan đối mặt nhiều thách thức
Chính phủ của tân Thủ tướng Shehbaz Sharif (Sê-ba Sa-ríp) đang phải đối phó hàng loạt thách thức, trong đó đáng ngại nhất là khủng hoảng kinh tế và phân cực chính trị, những nguyên nhân chính dẫn đến việc người tiền nhiệm, ông Imran Khan, bị bãi chức.
Trong nhiều tháng qua, quốc gia Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân đã phải đối mặt với tình trạng dự trữ ngoại hối cạn kiệt cùng lạm phát hai con số khiến giá nhiều mặt hàng cơ bản như thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt, gây rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân.
Ông Imran Khan (Im-ran Khan), 69 tuổi, nhậm chức Thủ tướng từ năm 2018, nhưng liên minh cầm quyền với cốt lõi là đảng Pakistan Tehreek-i-Insaf (Phong trào vì công lý-PTI) của ông gần đây đã đánh mất thế đa số tại Quốc hội sau khi nhiều đảng quyết định rút khỏi chính phủ liên hiệp, cho rằng ông đã thất bại trong việc khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 cũng như không thực hiện được các cam kết tranh cử và phá vỡ chính sách đối ngoại của nước này.
Tuần đầu tháng 4 vừa qua, Pakistan rơi vào khủng hoảng hiến pháp sau khi Thủ tướng Khan, nhằm ngăn chặn liên minh đối lập tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm, đã đề nghị Tổng thống Arif Alvi (A-ríp An-vi) giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, ngày 7/4, Tòa án Tối cao Pakistan đã ra phán quyết rằng Quốc hội đã bị giải tán bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu Quốc hội triệu tập để tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Khan.
Ngày 10/4, đã có 174 nghị sĩ trong số 342 thành viên Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Khan. Ngày 11/4, Quốc hội Pakistan bầu ông Shehbaz Sharif làm Thủ tướng thay ông Khan. Ông Shehbaz, 70 tuổi, là em trai của ông Nawaz Sharif (Na-oa Sa-ríp), người từng ba lần giữ cương vị Thủ tướng Pakistan. Ngày 19/4, chính phủ mới của Pakistan tuyên thệ nhậm chức.
Phục hồi kinh tế sẽ là thử thách lớn nhất đối với chính phủ của tân Thủ tướng Shehbaz Sharif trong thời gian từ nay đến trước tổng tuyển cử dự kiến vào giữa năm 2023. Ngày 23/4, trong cuộc đàm phán tại Washington, tân Bộ trưởng Tài chính Pakistan Miftah Ismail (Míp-ta I-xma-in) nhất trí với các khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về giảm trợ giá nhiên liệu và chấm dứt hệ thống miễn thuế doanh nghiệp, đồng thời cam kết theo đuổi các cuộc cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế đang lún sâu vào khủng hoảng hiện nay.
Năm 2019, IMF đã phê chuẩn khoản vay trị giá 6 tỷ USD trong ba năm cho Pakistan, song việc giải ngân đã bị chậm lại do lo ngại về tốc độ cải cách. Bộ trưởng Ismail cho biết: “Pakistan không thể gánh được hết các khoản tiền trợ cấp như trước đây, vì vậy sẽ phải cắt bớt các khoản tiền này”. Tuy nhiên, ông cho biết, một số khoản trợ cấp mục tiêu vẫn được duy trì, như trợ cấp cho người nghèo, trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.
Ông Ismail cũng nhấn mạnh, Pakistan-quốc gia đông dân thứ 5 thế giới (với 228 triệu người)-cần chuyển sang một mô hình kinh tế mới bằng cách dỡ bỏ các rào cản và thúc đẩy xuất khẩu. Mục tiêu trước mắt là kiềm chế lạm phát hai con số hiện nay và tạo việc làm. Ông bác bỏ những ý kiến cho rằng Pakistan đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, đồng thời cho biết dự trữ ngoại tệ của nước này hiện là 10 tỷ USD và phần lớn nợ song phương là với các nước bạn hữu như Trung Quốc, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Đối mặt thách thức kinh tế nặng nề nhưng chính phủ của tân Thủ tướng Shehbaz chỉ có thể dựa vào một liên minh cầm quyền mong manh gồm 11 đảng, chỉ có chung mục tiêu bãi nhiệm ông Imran Khan, còn đều theo đuổi những nghị trình riêng đầy mâu thuẫn. Kể từ khi Pakistan thành lập vào năm 1947, đến ông Shehbaz đã là vị Thủ tướng thứ 23, nhưng chưa có Thủ tướng nào tại vị được hết nhiệm kỳ. Phân cực là căn bệnh dai dẳng của chính trường Pakistan. Từ nay tới tổng tuyển cử năm sau, liên minh cầm quyền với hạt nhân là đảng Pakistan Muslim League-Nawaz (Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz-PML-N) của ông Shehbaz sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Khan.
Bên cạnh những thách thức kinh tế và chính trị nội bộ, chính phủ của Thủ tướng Shehbaz cũng phải tiếp tục xử lý nhiều vấn đề nan giải từ đối nội (chủ nghĩa khủng bố, vai trò của quân đội...) đến đối ngoại (quan hệ với Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Afghanistan…) ■