Chính phủ mới của Vương quốc Anh: Những lựa chọn khó khăn

Chính phủ mới của Vương quốc Anh, do Công đảng lãnh đạo, đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn nhất.

Đây là cảnh báo do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra ngay sau khi đảng của tân Thủ tướng Keir Starmer giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử, chấm dứt 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và các phóng viên trên đường tới Washington dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, tháng 7/2024. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Anh Keir Starmer và các phóng viên trên đường tới Washington dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, tháng 7/2024. (Nguồn: Reuters)

Vụ “đặt cược”

Chính phủ mới đang “đặt cược” rằng, một kế hoạch kinh tế được mô phỏng theo chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden - “Bidenomics” sẽ đảo ngược hơn một thập kỷ suy thoái kinh tế và nâng cao mức sống trì trệ kéo dài ở nền kinh tế Anh, mà không đòi hỏi phải chi tiêu vượt ngân sách.

Khả năng đó có dễ dàng?

Giống như Tổng thống Biden, Thủ tướng Keir Starmer cam kết sẽ có một chính phủ năng động hơn người tiền nhiệm thuộc Đảng Bảo thủ, cũng như tăng cường đầu tư vào năng lượng xanh và các chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, Thủ tướng Starmer được “thừa hưởng” một nền kinh tế trải qua hơn thập kỷ hỗn loạn chính trị, đầu tư kinh doanh chưa thỏa đáng và kế hoạch cứng nhắc của chính phủ tiền nhiệm. Không chỉ vậy, Vương quốc Anh hiện còn thiếu nguồn vốn đầu tư sẵn có.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Hiệu suất kinh tế (Anh), điều chỉnh theo lạm phát thì tiền lương ở nền kinh tế này hầu như không thay đổi kể từ năm 2007. Do đó, họ đang bị tụt lại phía sau, bằng chứng là người Đức trung bình hiện nay giàu hơn 20% so với một công dân điển hình của Anh.

Washington Post dẫn lời nhà nghiên cứu David Page của AXA Investment Managers ở London, cho biết, “nền kinh tế Anh không còn ở trong tình thế có thể nhanh chóng khắc phục. Hầu hết mọi người cho rằng, phải mất ít nhất một thập kỷ để nền kinh tế có thể cho thấy được sự cải thiện”.

Theo phân tích, gốc rễ của những khó khăn kinh tế Anh nằm ở tốc độ tăng trưởng năng suất yếu. Thúc đẩy năng suất của công nhân để sản xuất nhiều hàng hóa hơn mỗi giờ là chìa khóa để mở rộng nền kinh tế và nâng cao mức sống. Đó chính là điều còn thiếu trong “màn trình diễn” gần đây của chính phủ Anh tiền nhiệm.

Trên thực tế, một công nhân Mỹ năm ngoái đã sản xuất nhiều hơn 23% so với công nhân Anh. Khoảng cách đó tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2007. Công nhân Pháp và Đức đều làm việc tốt hơn các đồng nghiệp của họ ở Anh.

Năng suất của nền sản xuất Anh từng tăng đều đặn trong gần ba thập kỷ, nhưng đã chững lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các nhà kinh tế cho biết, chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ và các cuộc khủng hoảng chính trị tái diễn sau cuộc Đại suy thoái đã ngăn cản các công ty đầu tư để giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn. Đại dịch Covid-19 và việc chính phủ cắt giảm ngân sách khiến Dịch vụ Y tế quốc gia thiếu nhân lực ảnh hưởng đến năng suất. Theo thống kê, tại Mỹ, đầu tư kinh doanh đã tăng hơn một phần ba kể từ năm 2016, gần gấp bảy lần mức tăng ở Vương quốc Anh.

Các vấn đề của nước Anh là di sản của nhiều năm tương tác giữa các lựa chọn giữa công và tư. Ngành dịch vụ tài chính quá lớn của đất nước này bị thu hẹp sau cuộc khủng hoảng năm 2008, khiến việc tiếp cận tín dụng trở nên khó khăn hơn những nơi khác. Nền kinh tế đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng của “thời kỳ thắt lưng buộc bụng”, gây tổn hại đến các dịch vụ công và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Quá trình Brexit từ năm 2016 đã khiến ba Thủ tướng phải mất thời gian trong gần một thập kỷ và tiếp tục phủ bóng khó khăn lên nền kinh tế. Theo Văn phòng trách nhiệm ngân sách (OBR), việc dựng lên các rào cản với EU - từng là đối tác thương mại lớn nhất của mình khiến nền kinh tế Anh thu hẹp 4% và xuất nhập khẩu thấp hơn khoảng 15% so với khi nước này vẫn ở trong khối.

Sự bất ổn của chính phủ và vô số kế hoạch kinh tế ngắn hạn và dài hạn biến thành trở ngại cho tăng trưởng.

Mong đợi sự khác biệt

Trong cuộc họp báo đầu tiên, Thủ tướng Starmer khẳng định sẽ thúc đẩy thay đổi và hiện thực hóa các cam kết trong cương lĩnh tranh cử, bao gồm kích thích tăng trưởng kinh tế, đầu tư vào năng lượng sạch và cải thiện cơ hội thông qua chương trình nghị sự về kỹ năng mới.

Tân Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves khẳng định, chính phủ sẽ thực hiện cách tiếp cận mới đối với tăng trưởng dựa trên cơ sở ổn định, đầu tư và đổi mới, nhấn mạnh cải cách quy hoạch là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Tài chính cam kết hành động ngay để giải quyết các vấn đề nền tảng của kinh tế Anh, cải cách khung chính sách về quy hoạch quốc gia để phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững dựa trên mô hình mới, giúp kinh tế phát triển và giữ thuế, lạm phát và lãi suất ở mức thấp nhất có thể…

Người đứng đầu ngành tài chính Anh cam kết đưa xứ sở sương mù thành thiên đường đầu tư, ủng hộ tăng trưởng và chiến lược công nghiệp để thúc đẩy đầu tư, hợp tác chặt chẽ với giới kinh doanh.

Chiến lược công nghiệp mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất tiên tiến, công nghệ sáng tạo và công nghệ xanh, các ngành công nghiệp mới có tiềm năng như khoa học cuộc sống, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo, những lĩnh vực Anh có cơ sở nghiên cứu mạnh nhưng chưa tạo được điều kiện cho tăng trưởng. Một quỹ đầu tư quốc gia trị giá 7,3 tỷ Bảng sẽ được thành lập với vai trò đầu tư vào các dự án quan trọng.

Theo cam kết tranh cử, chính phủ của Thủ tướng Starmer muốn chứng tỏ Công đảng quyết tâm thực hiện những cải cách quy hoạch nghiêm túc, kích thích tăng trưởng mà không làm tăng chi tiêu công hay nợ quốc gia.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng mới sẽ đối mặt không ít thách thức. Trước triển vọng tài chính yếu, nợ chính phủ Anh có thể vượt 90% GDP trong năm nay.

Giám đốc Viện nghiên cứu tài chính Anh (IFS) Paul Johnson, nhận định với lạm phát cao, nợ công cao và thuế ở mức cao kỷ lục… triển vọng “vô cùng khó khăn” đối với một chính phủ mới muốn triển khai những đột phá mà không thể chi tiền.

Còn nhà kinh tế trưởng Paul Dales của Capital Economics cho biết: “Thực tế sẽ bắt đầu xuất hiện khi chính phủ mới của tân Thủ tướng Keir Starmer phải tập trung vào những lĩnh vực mà họ thực sự có thể tạo ra sự khác biệt mà không muốn tốn nhiều tiền”.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-phu-moi-cua-vuong-quoc-anh-nhung-lua-chon-kho-khan-279275.html