Chính phủ mới và những thách thức đáng để đối đầu!
Kỳ họp Quốc hội lần này đánh dấu sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong thành phần Chính phủ, đang được kỳ vọng kế thừa thành quả đã qua để tạo ra các đột phá mới, đưa đất nước tiến lên.
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, đất nước đã đạt được những thành tựu nổi bật, tạo kỳ vọng cho chặng đường đi tới. Nổi lên là 3 trụ cột niềm tin: Trong khó khăn vẫn tạo ra điểm sáng phát triển kinh tế, xã hội, trở thành một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên phạm vi thế giới. Tạo dựng được vị thế mới cho nước ta trong bang giao, tăng cường hợp tác, cạnh tranh trong hội nhập. Câu chuyện thành công của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 được bạn bè ngưỡng mộ mang dấu ấn điều hành năng động, nhạy bén, quyết tâm cao và chỉ đạo thông suốt của Chính phủ. Thành quả đó vừa là nền tảng vừa là thách thức mà Chính phủ mới nhiệm kỳ này cần phải vượt qua. Và nói như các chuyên gia kinh tế, thì đó là những thách thức đáng để đối đầu!
"Thành công của Chính phủ rất nhiều, nhưng có một thành công kỳ tích"
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ. Theo đại biểu, trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ đã quyết liệt, năng động, sáng tạo, giúp thế và lực đất nước ta hơn 5 năm trước rất nhiều, quy mô nền kinh tế đứng 37 thế giới, trở thành nước có thu nhập trung bình.
Theo đại biểu, thành công của Chính phủ rất nhiều, nhưng một thành công mang tính kỳ tích, kết tinh của một Chính phủ năng động, sáng tạo, quyết liệt, đó là kỳ tích chống dịch Covid-19. Khi dịch mới bắt đầu bùng phát trên thế giới, thế giới còn loay hoay thì Chính phủ đã nhận diện tình hình, đề ra các giải pháp hết sức kiên quyết với tinh thần chống dịch như chống giặc, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, huy động sự vào cuộc, đoàn kết của nhân dân.
“Nếu Chính phủ chỉ chần chừ thêm một ít thời gian, thì tình hình đất nước sẽ ra sao? Sức khỏe nhân dân ra sao? Có thể nói đến việc xây dựng đất nước hùng cường được không? Chắc chắn là khó có thể nói như thế nào”, đại biểu nhấn mạnh. Đây là thành công then chốt, duy trì đà tăng trưởng, là cú hích để thực hiện mục tiêu hùng cường vào năm 2045.
Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua. Ba đột phá chiến lược được xem là ưu tiên cao của Chính phủ trong nhiệm kỳ, tạo ra nhiều dấu ấn về hoàn thiện thể chế, giải quyết việc làm cho nhân dân... Chính phủ đã cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… đã có nhiều đổi mới, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 đã huy động được sự ủng hộ của người dân, phát huy được sức mạnh nội sinh của dân tộc. Công tác môi trường, phòng chống tham nhũng được quan tâm thường xuyên, an ninh quốc phòng được giữ vững.
“Cử tri phấn khởi vì một Chính phủ quyết liệt, vì dân”, đại biểu nêu rõ và nhắc tới các điểm sáng như hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính… “Trong dịch bệnh Covid-19, tinh thần đó đã lan tỏa khắp các địa phương”.
“Những chuyển biến trong tinh thần phục vụ nhân dân đã được nhân dân ghi nhận, nhưng nhân dân mong tinh thần này tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ mới”, đại biểu nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá nhiệm kỳ vừa qua rất thành công trên các phương diện, quy mô nền kinh tế vươn lên đứng thứ 4 ASEAN, hệ số tín nhiệm quốc gia được giữ vững, giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, đời sống người dân không ngừng được cải thiện…
Tuy nhiên, đại biểu nêu ra 3 vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới. Thứ nhất, nợ xấu, nợ công giảm mạnh, đây là dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới trong bối cảnh phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, kết quả nhập siêu tích cực nhưng còn một số vấn đề cần lưu ý như nhập siêu với các nước trong khu vực…
Thứ ba, Chính phủ đã quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nhưng thành công này đặt ra thách thức lớn cho nhiệm kỳ mới vì không còn nhiều dư địa để cải cách, do đó, cần đột phá thể chế, chuyển đổi phương thức quản lý mạnh mẽ trên cơ sở chuyển đổi số… “Nếu chuyển đổi số thành công thì những kết quả cải cách thể chế sẽ giúp chúng ta biến những điều không thể thành có thể”, đại biểu khẳng định. Đây chính là cơ sở để chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ.
4 thành công nổi bật của Chính phủ, đặt nền móng cho nhiệm kỳ mới
Như cách nói ví von của tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ, là: “Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ”. Vất vả nhưng Chính phủ tiền nhiệm của ông Phúc được xem là đã có một nhiệm kỳ khá thành công.
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, đất nước đã đạt được những thành tựu nổi bật, tạo kỳ vọng cho chặng đường đi tới. Nổi lên là 3 trụ cột niềm tin: Trong khó khăn vẫn tạo ra điểm sáng phát triển kinh tế, xã hội, trở thành một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên phạm vi thế giới. Tạo dựng được vị thế mới cho nước ta trong bang giao, tăng cường hợp tác, cạnh tranh trong hội nhập. Câu chuyện thành công của Việt Nam trước đại dịch Covid-19 được bạn bè ngưỡng mộ mang dấu ấn điều hành năng động, nhạy bén, quyết tâm cao và chỉ đạo thông suốt của Chính phủ.
Thành quả đó vừa là nền tảng vừa là thách thức mà Chính phủ mới nhiệm kỳ này cần phải vượt qua. Làm sao để kế thừa thành quả nhưng phải tạo đột phá để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới, không chỉ là thách thức mà còn là “đề bài” đang đặt ra cho Chính phủ nhiệm kỳ mới đòi hỏi phải tập trung giải quyết.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào với một nhiệm kỳ Chính phủ với nhiều thành tựu ấn tượng. Nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã vượt qua mọi khó khăn để khẳng định uy tín của mình. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số nội dung sau:
Thứ nhất, thực hiện chủ trương huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển: Quốc hội, Chính phủ đã có ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc huy động vốn thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử, nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường ven biển, một số dự án BOT tại các địa phương… đã phải chuyển từ hình thức đối tác công - tư sang sử dụng 100% vốn Nhà nước.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách là không dễ dàng, nhưng Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phải tạo được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực từ người dân cho phát triển.
Thứ hai, thực hiện phân cấp trong đầu tư công. Nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm phát huy tính tự chủ của địa phương. Tuy nhiên, thực tế, không ít địa phương đưa vào danh sách nhiều dự án chưa phù hợp trong khi nguồn lực có hạn, tạo gánh nặng lớn cho NSNN và ảnh hưởng đến những dự án trọng điểm khác. Do đó, đại biểu đề nghị chấp hành nghiêm Luật Đầu tư công, nếu cần thì Quốc hội nhiệm kỳ mới xem xét sửa đổi. Theo đó, Quốc hội chỉ phê chuẩn danh sách đầu tư công trung hạn và Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phân bổ chi tiết, tránh tình trạng dàn trải, manh mún.
Thứ ba là hạch toán ngân sách theo kết quả đầu ra. Theo đó, phải lấy kết quả cụ thể làm thước đo sử dụng ngân sách. Đại biểu đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới làm rõ chi tiết số lượng dự án, số ngân sách được phân bổ, đã chi bao nhiêu, chi cho những dự án nào…
Thứ tư, về mối quan hệ công tác Quốc hội - Chính phủ, đại biểu bày tỏ đồng ý với nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng, mối quan hệ công tác này thời gian qua là rất tốt dù có những giai đoạn giữa hai bên có ý kiến, quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn. “Điều đó là bình thường”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh và bày tỏ tin tưởng, một Chính phủ chân chính và một Quốc hội vì dân tất yếu sẽ gặp nhau vì một ngày mai tươi sáng của quốc gia, dân tộc.
Người dân đang kỳ vọng những quyết sách mạnh mẽ, sự chỉ đạo điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ nhiệm kỳ mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tạo vị thế ngoại giao cho đất nước và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, xử lý vi phạm. Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đầu tư công, đẩy mạnh cải cách hành chính...
Một Chính phủ nhiệm kỳ mới được đặt nhiều kỳ vọng mới. Nhưng kỳ vọng có đạt được hay không phải bằng hành động từ những quyết sách sáng suốt. Nhân dân đang kỳ vọng nhưng nhân dân cũng chính là những người thầy nghiêm khắc từ thực tiễn.