Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân - ghi nhận từ Hải Phòng - Bài 1: Kịp thời thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cảng
Với vai trò là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, ngay sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2021 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2045; Quốc hội có Nghị quyết 35/2021 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, HĐND TP Hải Phòng đã kịp thời có những nghị quyết thuộc thẩm quyền để triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hải Phòng Phạm Văn Lập chia sẻ, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI đã được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần đổi mới, quyết liệt; đồng hành cùng Ủy ban nhân dân (UBND) TP Hải Phòng, chính quyền địa phương các cấp triển khai hiệu quả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội… tại TP Cảng, được Nhân dân đón nhận, đồng tình và đánh giá cao.
Những nghị quyết triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Phạm Văn Lập cho biết, năm 2021, năm đầu tiên Kỳ họp thứ XVI của HĐND TP Hải Phòng, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng xác định rõ chủ đề, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế với chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Từ quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng, HĐND TP Hải Phòng đã xây dựng chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới - Thực hiện chuyển đổi số” làm “kim chỉ nam” cho việc xây dựng các nghị quyết để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 35/2021/QH15.
Trong đó, HĐND TP Hải Phòng đã ban hành các Nghị quyết số 3/NQ- HĐND ngày 12/4/2022, Nghị quyết số 18/NQ- HĐND ngày 18/7/2023 về quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; các Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới (NTM) TP Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025 với việc ưu tiên bố trí hơn 15,4 nghìn tỷ để các xã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa trước năm 2024, góp phần thay đổi căn bản hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, thay đổi diện mạo đô thị nông thôn trong tình hình mới…
Trong giai đoạn này, Thành ủy Hải Phòng có định hướng phát triển kinh tế với ba trụ cột chính là Công nghiệp - Công nghệ cao, Dịch vụ cảng biển - Logistics, Du lịch - Thương mại. Để triển khai cụ thể hóa định hướng này, HĐND TP Hải Phòng đã đưa các nội dung liên quan vào các Kỳ họp để các đại biểu HĐND tham gia góp ý, thảo luận…
Tại các Kỳ họp, các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội dần được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, kịp thời điều chỉnh quy hoạch xây dựng và phát triển TP Hải Phòng, quy hoạch phân bổ vốn đầu tư công đầu tư hạ tầng giao thông liên kết các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực Đồng bằng sông Hồng nhằm khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế khác biệt của địa phương cảng biển lớn nhất phía Bắc. Đặc biệt, Hải Phòng là địa phương cùng với Quảng Ninh có Di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, bảo đảm tính thống nhất, mối tương quan, liên kết giữa các tỉnh trong khu vực với Hải Phòng.
Cùng trong thời gian này, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo HĐND TP Hải Phòng thể chế hóa các Nghị quyết quy hoạch đô thị mới tại địa bàn các huyện Thủy Nguyên, An Dương, điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải…
Thay đổi diện mạo đô thị Hải Phòng
Để các quyết sách, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đến được với Nhân dân, tại các Kỳ họp HĐND theo quy định, các Nghị quyết đã được thông qua nhằm cụ thể hóa những chủ trương, đường lối của Đảng tại địa phương dần được triển khai như: xây dựng NTM kiểu mẫu, Nghị quyết về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại; khu vực đô thị trung tâm được chỉnh trang, nâng cấp. Không gian và diện mạo đô thị Hải Phòng được mở rộng đến các huyện Thủy Nguyên, An Dương. Theo Nghị quyết 1232 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào ngày 24/10/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025, theo đó, kể từ ngày 01/01/2025 TP Thủy Nguyên sẽ trở thành TP trực thuộc TP Hải Phòng…
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng luôn chỉ đạo Đảng đoàn HĐND, UBND TP Hải Phòng khẩn trương xem xét, giải quyết những vấn đề cấp bách, được dư luận quan tâm như các Chương trình chỉnh trang đô thị, xây dựng NTM kiểu mẫu.
Trước những đòi hỏi từ thực tiễn, HĐND TP đã tổ chức những kỳ họp chuyên đề để xem xét, thông qua các Nghị quyết nhằm kịp thời quyết định, xử lý những nội dung cấp bách, liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng điển hình như kịp thời thông qua các Nghị quyết về hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân, qua đó đã phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, của tập thể Thường vụ, Thường trực HĐND trong việc xem xét, quyết định các nội dung công việc bảo đảm khách quan, toàn diện…
Sau những Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư, về cơ chế, chính sách đặc thù được HĐND triển khai, cụ thể hóa đã tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế Hải Phòng phát triển. Đến năm 2023, trong 9 năm liên tiếp, Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng hai con số, từ 10 - 13,5%/năm, đứng tốp đầu cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng về tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế của Hải Phòng đã có những dịch chuyển tích cực theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể, năm 2023, khu vực công nghiệp - dịch vụ chiếm 53,34%, dịch vụ chiếm 37,76%, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 3,45% tỷ trọng nền kinh tế. Tổng thu ngân sách của Hải Phòng đạt 102.614,5 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn năm 2023 ước đạt 190.641,7 tỷ đồng. Lũy kế thu hút đầu tư nước ngoài đến tháng 10 năm 2023 đạt 32,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Hải Phòng đã có những cơ chế, chính sách linh động để thực hiện các chủ trương an sinh xã hội... HĐND TP Hải Phòng đã thể chế các chủ trương này thành các Nghị quyết về tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo các dịp lễ, Tết với tổng kinh phí hàng năm gần 600 tỷ đồng. Hải Phòng trở thành địa phương có mức hỗ trợ an sinh xã hội cho gia đình chính sách, người có công cao nhất cả nước.
HĐND TP Hải Phòng cũng xây dựng, ban hành các Nghị quyết, chính sách hỗ trợ hơn 455 tỷ đồng/năm cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở; hỗ trợ gần 40 tỷ đồng/năm cho huấn luyện viên, vận động viên. Với các quy định này, việc hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, hỗ trợ huấn luyện viên, vận động viên của Hải Phòng vào nhóm tốp đầu các tỉnh, thành hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.
Trong giai đoạn 2024 - 2030, Hải Phòng đã triển khai, hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành Y tế hơn 315 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ này nhằm thu hút, giữ chân nguồn lực y tế chất lượng cao cho khu vực y tế công lập, là cơ sở quan trọng để Hải Phòng thực hiện các chính sách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân được tốt hơn…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Phạm Văn Lập bày tỏ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, với tinh thần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND các cấp.
(Còn tiếp)