Chính phủ Mỹ đổi ý, nói không bắt buộc phản hồi 'tối hậu thư' của tỉ phú Musk
Văn phòng nhân sự chính phủ Mỹ 'phớt lờ' tối hậu thư của tỉ phú Elon Musk buộc nhân viên chính phủ liệt kê công việc đã làm hoặc sẽ bị sa thải.
Nói như tờ The Guardian, đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự phản kháng nội bộ đối với chiến dịch cắt giảm biên chế của ông Musk.
"Tối hậu thư" của ông Musk được đưa ra trong một email gửi tới hàng triệu nhân viên chính phủ vào cuối tuần rồi, là đòn tấn công mới nhất của Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE). Tuy nhiên, yêu cầu đó nhanh chóng bị liên minh các nhóm lao động kiện cáo.
Chủ tịch Liên đoàn Nhân viên chính phủ liên bang Mỹ (AFGE) Everett Kelley viết trong một lá thư gửi cho giám đốc Văn phòng Quản lý Nhân sự Liên bang (OPM) nhấn mạnh: "Yêu cầu của ông Musk và sự nhầm lẫn phát sinh không chỉ không phù hợp mà còn gây gián đoạn các chức năng thiết yếu của chính phủ".

Một số cơ quan liên bang Mỹ yêu cầu nhân viên không trả lời "tối hậu thư" của tỉ phú Elon Musk. Ảnh: ABC
Các nhân viên chính phủ nói với tờ The Guardian rằng đây là email mới nhất trong một loạt "thông điệp gây rối" từ OPM. Một nhà khoa học của cơ quan lâm nghiệp thừa nhận "sợ rằng nếu trả lời sai sẽ bị sa thải".
Với nhân viên xã hội Latisha Thompson thuộc Bộ Cựu chiến binh, "kiểu tấn công đe dọa và bắt nạt qua email này đã khiến tôi và các đồng nghiệp của tôi rất khổ sở".
Nhiều ngày qua, các cơ quan chính phủ Mỹ đưa ra nhiều chỉ thị khác nhau về việc nhân viên của họ có nên trả lời tin nhắn hay không. "Tối hậu thư" gặp phải sự phản đối, đặc biệt là ở các văn phòng chính phủ xử lý các vấn đề thực thi pháp luật và an ninh quốc gia.
Tân Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Kash Patel yêu cầu các đặc vụ "tạm dừng mọi phản hồi". Tại Bộ An ninh nội địa, các nhân viên cũng nhận thông báo rằng "không cần phản hồi vào thời điểm này".
Tương tự, tất cả nhân viên tại Bộ Quốc phòng cũng được lệnh không trả lời thư của OPM.
Sau đó, theo hãng tin Reuters, OPM thông báo không bắt buộc phản hồi email của ông Musk. Nếu không trả lời trước nửa đêm ngày 24-2 (giờ Mỹ) cũng không bị coi là từ chức như lời cảnh cáo của ông Musk.
Sự thay đổi đột ngột này diễn ra sau khi Tổng thống Trump phát biểu ủng hộ "tối hậu thư" của tỉ phú Musk vào sáng cùng ngày. Theo đài CNN, ông Trump nhận xét rằng "tối hậu thư" của ông Musk là "khéo léo" và bất kỳ ai không trả lời đều sẽ bị sa thải.
"Bằng cách yêu cầu cho biết bạn đã làm gì trong tuần qua, những gì ông ấy (ông Musk) đang làm là muốn biết bạn có thực sự làm việc không? Họ đang cố gắng tìm hiểu xem ai đang làm việc cho chính phủ, chúng ta có trả tiền cho những người không làm việc không và tiền đang đi đâu về đâu" – Tổng thống Trump nói.
Thượng nghị sĩ bang Alaska Lisa Murkowski, người từng tranh cãi với ông Trump, lên tiếng chỉ trách email gửi đến nhân viên chính phủ là "vô lý".
Đến nay, ít nhất 20.000 nhân viên liên bang Mỹ đã bị sa thải, hầu hết là những người mới được tuyển dụng trong thời gian thử việc và không hưởng chế độ bảo vệ việc làm.