Cuộc chiến Nga-Ukraine thải ra gần 230 triệu tấn CO2
Trang Euronews cho biết trong 3 năm qua cuộc chiến Nga-Ukraine đã thải ra gần 230 triệu tấn CO2. Đặc biệt lượng khí thải 12 tháng gần nhất bằng khí thải hằng năm của Áo, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia cộng lại.
Đây là số liệu từ nghiên cứu được thực hiện bởi Sáng kiến Kiểm toán chiến tranh GHG nhằm nắm rõ thiệt hại về môi trường mà cuộc chiến gây ra. Thành viên Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) Svitlana Krakovska cũng tham gia nghiên cứu.
Cháy rừng hoành hành
Theo dữ liệu từ Hệ thống Thông tin cháy rừng châu Âu, năm 2024 chứng kiến cháy rừng hoành hành tại Ukraine, chủ yếu do chiến tranh. Diện tích bị cháy 12 tháng gần nhất cao gấp đôi mức trung bình hàng năm của 2 năm trước, lên 92.100 hecta.
Lượng khí thải từ tất cả đám cháy (kể cả cháy rừng) tăng gấp đôi lên 25,8 triệu tấn CO2 – tương đương 118% so với mức trung bình hàng năm thời chiến của 2 năm trước. Đa số đám cháy xảy ra ngay tại hoặc gần tiền tuyến, hoặc ở khu vực biên giới.

Đa số đám cháy xảy ra ngay tại hoặc gần tiền tuyến, hoặc ở khu vực biên giới - Ảnh: Evgeniy Maloletka
Học gia Lennard de Klerk - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết: “Yếu tố gây cháy trong chiến tranh là pháo kích, máy bay không người lái bị rơi, mìn phát nổ, lính đốt lửa trại. Do chiến tranh và hoạt động khai thác đang diễn ra, lính cứu hỏa không thể tiếp cận khu vực cháy nên lửa bùng lớn hơn, dữ dội hơn cho đến khi tất cả nhiên liệu (cây cối, bụi rậm) bị cháy hết”.
Năm 2024 còn có yếu tố bất thường là thời tiết ngoài tiền tuyến hanh khô bất thường. Thời tiết như vậy cộng thêm nắng nóng dẫn đến nguy cơ cháy tăng cao.
“Xác suất xảy ra thời tiết cực đoan cao hơn nhiều do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho cháy rừng, chiến tranh kích hoạt chúng và phát thải carbon khiến biến đổi khí hậu trầm trọng hơn. Đây là vòng lẩn quẩn của sự hủy diệt”, theo ông Klerk.
Nguồn phát thải khác
Chiến tranh hiện đã trở thành nguồn phát thải lớn nhất. Xe tăng và máy bay chiến đấu tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, tạo ra 74 triệu tấn CO2. Máy bay không người lái ngày càng phổ biến nhưng vẫn chưa thể thay thể đạn pháo thải nhiều carbon.

Xe tăng và máy bay chiến đấu tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu hóa thạch - Ảnh: The Independent
Hoạt động tấn công dữ dội vào hạ tầng năng lượng làm tăng 16% lượng khí thải. Hạ tầng dầu mỏ bị ảnh hưởng nặng nề khiến CO2 trong 12 tháng gần nhất tăng vọt lên 2,1 triệu tấn (24 tháng trước đó chỉ có 1,1 triệu tấn).
Máy bay tiếp tục tránh hoặc bị cấm di chuyển qua không phận Nga và Ukraine, bay vòng khiến chúng phát thải nhiều hơn. Lượng khí thải hàng không liên quan đến cuộc chiến lên đến 14,4 triệu tấn CO2. Khí thải liên quan đến người tị nạn hầu như không thay đổi.