Chính phủ Mỹ mua thêm 200 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân tại New York. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin, ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nước này đã mua thêm 200 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, hoàn thành cam kết như ông đã hứa vào tháng trước. Tổng thống Biden cũng khẳng định Mỹ sẽ có đủ vắcxin từ Moderna và Pfizer/BioNTech để tiêm cho toàn bộ người dân nước này vào cuối tháng 7.

Phát biểu tại Viện Y tế Quốc gia, Tổng thống Biden cho biết việc mua thêm vắcxin sẽ giúp tăng nguồn cung cấp thêm 50% với khoảng 600 triệu liều và hiện các công ty đang đẩy nhanh thời gian giao hàng. Chính vì vậy, khoảng 100 triệu liều vắcxin sẽ được giao vào cuối tháng 5 sớm hơn 1 tháng so với dự kiến. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Mỹ đã mua thêm lượng vắcxin trị giá khoảng 2 tỉ USD từ Pfizer và 1,65 tỉ USD từ Moderna.

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng đánh giá Mỹ đã không làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai tiêm chủng vắcxin cho hàng trăm triệu người dân. Trước đó, nhiều bang của Mỹ báo cáo tình trạng không có đủ vắcxin ngừa COVID-19 để tiêm cho người dân, khiến tốc độ tiêm chủng chậm hơn nhiều so với dự kiến.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh với trung bình khoảng 900.000 người/ngày và hiện tốc độ đạt được là 1,5 triệu người/ngày.

Tính tới thời điểm này, Mỹ ghi nhận 27.897.214 ca mắc COVID-19, trong đó có 483.200 ca tử vong. Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã giảm dần kể từ giai đoạn đỉnh dịch vào ngày 8/1 vừa qua, song biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh đang lan nhanh có nguy cơ dẫn đến làn sóng dịch bệnh mới.

Thái Lan ngày 11/2 công bố kế hoạch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho 1 triệu người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất vào tháng 5 tới và triển khai tiêm chủng đại trà sau đó một tháng, với mục tiêu mỗi tháng có 10 triệu người được tiêm chủng.

Phát biểu họp báo, ông Sopon Iamsirithaworn tại Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thái Lan cho biết chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ở nước này chia thành hai giai đoạn, gồm từ tháng 2-5 và tháng 6-12.

Trong giai đoạn đầu tiên, 2 triệu nhân viên y tế tuyến đầu ở những khu vực nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19 sẽ được tiêm vắcxin Sinovac của Trung Quốc. Giai đoạn 6 tháng tiếp theo sử dụng 61 triệu liều vắcxin của hãng AstraZeneca (Anh). Dự kiến, vắcxin AstraZeneca sẽ được sản xuất nội địa ở Thái Lan kể từ tháng 6 tới.

Cũng theo quan chức trên, khoảng 1.000 bệnh viện ở Thái Lan đã sẵn sàng triển khai chương trình tiêm chủng. Mỗi bệnh viện có thể thực hiện tiêm 500 liều vắcxin mỗi ngày, trong vòng 20 ngày có thể hoàn thành mục tiêu 10 triệu mũi tiêm/tháng.

So với nhiều nước khác trên thế giới, tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trên tổng số dân ở Thái Lan tương đối thấp. Đến thời điểm này, Thái Lan ghi nhận 80 ca tử vong trong tổng số hơn 24.000 ca mắc. Khoảng 80% số ca mắc được phát hiện trong hai tháng qua.

Trong diễn biến khác, ngày 11/2, Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu cấu trúc gene COVID-19 của Anh - bà Sharon Peacock, cho biết biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại vùng Kent của nước này có khả năng sẽ lây lan ra toàn thế giới và cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ tiếp diễn trong ít nhất một thập kỷ.

Bà Peacock cho hay biến thể phát hiện tại Kent đã "lan ra khắp cả nước" và "nhiều khả năng sẽ lây lan ra toàn thế giới”. Bà nêu rõ: "Một khi chúng ta kiểm soát được (virus) hoặc chúng tự biến đổi để không còn độc lực gây bệnh thì chúng ta có thể ngừng lo lắng về chúng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, xét về tương lai, chúng ta sẽ phải làm điều này trong nhiều năm. Theo quan điểm của tôi, chúng ta vẫn sẽ làm điều này trong 10 năm tới”.

Cùng ngày, Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 ở nước này có thể sẽ được gia hạn đến tháng 4 tới. Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Thủ tướng Martin cho hay Chính phủ Ireland đang xem xét tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn cho đến kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Ông nêu rõ kế hoạch kéo dài phong tỏa đang được thảo luận, song khẳng định việc mở lại trường học và các dự án xây dựng sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Các nhà hàng, quán bar và cửa hàng không thiết yếu ở Ireland đã đóng cửa kể từ dịp Giáng sinh và Năm mới vừa qua. Học sinh chưa trở lại trường học, trong khi người dân được khuyến cáo ở nhà nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 408.478 trường hợp mắc COVID-19 và 12.055 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt 108 triệu ca bệnh. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 108.250.174 ca, trong đó có 2.376.252 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 80.455.325 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 25.488.189 ca và 101.928 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 11/2, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vắcxin.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252265/chinh-phu-my-mua-them-200-trieu-lieu-vacxin-ngua-covid-19.html