Chính phủ Nhật Bản tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế
Trong bài phát biểu thông lệ đầu năm mới trên sóng truyền hình, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru khẳng định thông điệp về quyết tâm của Chính phủ nhằm mang lại cuộc sống phồn vinh và tràn ngập nụ cười cho mọi người dân. Thủ tướng Ishiba kỳ vọng năm 2025 sẽ tái hiện thời kỳ “Bùng nổ kinh tế Izanagi” cách đây tròn 60 năm, một giai đoạn Nhật Bản tràn đầy năng lượng và sức sống.
Nội các của Thủ tướng Ishiba Shigeru mới đây đã thống nhất dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2025 (bắt đầu từ tháng 4) cao kỷ lục, trị giá hơn 115.000 tỷ yen, tương đương hơn 732 tỷ USD.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế số 2 châu Á được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mức vừa phải (1,5%) trong năm 2025, nhờ chính sách tăng lương thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm giảm áp lực lạm phát và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực chiến lược như số hóa, phi các-bon hóa và cải thiện năng suất.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 39.000 tỷ yen cho năm tài khóa 2024, kéo dài đến tháng 3/2025. Phạm vi gói kích thích bao gồm trợ cấp nhằm giảm chi phí năng lượng trong quý I/2025 và các khoản hỗ trợ tiền mặt một lần dành cho các hộ gia đình thu nhập thấp, qua đó góp phần thúc đẩy tiêu dùng, yếu tố chiếm hơn 50% GDP của đất nước này.
Trong năm 2024, các doanh nghiệp tại Nhật Bản đã đồng ý tăng lương trung bình 5,1%, mức cao nhất trong 33 năm qua. Để duy trì động lực này, Liên đoàn Lao động Nhật Bản (Rengo) đặt mục tiêu yêu cầu tăng lương ít nhất 5% vào năm 2025, nhất là hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi chiếm khoảng 70% lực lượng lao động tại quốc gia Đông Bắc Á.
Chỉ số chứng khoán Nikkei, đại diện cho thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa phiên cuối năm với mức tăng hằng năm cao nhất trong lịch sử, tăng 19% so với năm 2023. Trong năm 2024, chỉ số Nikkei đã phá vỡ kỷ lục từ năm 1989 là 42.224,02 điểm, trước khi “hạ nhiệt” và chốt phiên giao dịch cuối năm ngày 30/12 ở mức 39.894,54 điểm.
Ghi nhận những tín hiệu khả quan, song nền kinh tế Nhật Bản vẫn đối mặt nhiều rủi ro từ chính sách bảo hộ thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế. Nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Securities Kobayashi Shunsuke cảnh báo, nếu xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn khác, các doanh nghiệp có thể phải cắt giảm đầu tư và hạn chế tăng lương, tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Ishiba cam kết thúc đẩy ba chính sách quan trọng với gói ngân sách tài khóa năm 2025, gồm giải quyết các thách thức về ngoại giao và an ninh, khôi phục sức sống trên toàn Nhật Bản và tăng cường khả năng ứng phó với các vấn đề trị an, phòng chống thiên tai.
Cuối tháng 12/2024, Chính phủ Nhật Bản thông báo tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 8.700 tỷ yen (55 tỷ USD) cho năm tài khóa 2025, chú trọng cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho nhân viên Lực lượng Phòng vệ quốc gia (SDF), qua đó nâng cao năng lực quốc phòng.
Nhật Bản sẽ tăng thêm ngân sách thành lập Cục Phòng chống thiên tai vào năm 2026, bên cạnh những nỗ lực bảo vệ đời sống người dân trước các loại tội phạm nghiêm trọng.
Nhấn mạnh Nhật Bản đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng âm thầm” là sự suy giảm dân số nghiêm trọng, làm suy yếu năng lượng phát triển của các địa phương và nền kinh tế, Thủ tướng Ishiba phát động chương trình “Tái thiết địa phương 2.0” nhằm cân bằng sự tập trung quá mức tại các đô thị như Tokyo, thông qua tăng cường liên kết giữa các vùng, địa phương. Chính phủ Nhật Bản chú trọng tăng lương và thúc đẩy đầu tư trong nước để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Dự thảo ngân sách của Chính phủ Nhật Bản vẫn cần vượt qua cuộc bỏ phiếu đầu năm nay tại Hạ viện, khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ishiba Shigeru không chiếm đa số và buộc phải đàm phán với các đảng đối lập để giành đủ sự ủng hộ, nhằm hiện thực hóa mục tiêu “mang lại cuộc sống phồn vinh và tràn ngập nụ cười cho mọi người dân”.