Chính phủ quyết liệt bình ổn lãi suất
Trước tình trạng một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, kéo theo nguy cơ tăng mặt bằng lãi suất cho vay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra các ngân hàng có động thái này.
Đây là biện pháp mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ nhằm bình ổn lãi suất, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Trước đó, trong phiên họp ngày 11/2, Thủ tướng nhấn mạnh các ngân hàng cần chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế.
Thủ tướng chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ quản lý như hạn mức tăng trưởng tín dụng, thậm chí thu hồi giấy phép nếu các ngân hàng không tuân thủ. Thông điệp cứng rắn được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong tương lai. Qua đó, có thể thấy lãi suất huy động và cho vay sẽ được kiểm soát chặt, ít nhất là trong ngắn hạn.
Việc ổn định lãi suất có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp và cả thị trường chứng khoán - một kênh huy động vốn quan trọng. Tuy nhiên, trong khi nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chật vật quanh mốc 1.300 điểm suốt một năm qua. Năm 2024, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp niêm yết mới.
Hơn nữa, thống kê trên hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch (không tính ngân hàng và công ty chứng khoán) cho thấy dòng vốn tín dụng đang tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn nhất: 10 doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất chiếm tới 40% tổng dư nợ của cả thị trường. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên sàn, họ vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất cao, bao gồm cả các chi phí liên quan. Vị này nhận định mức lãi suất cao mà doanh nghiệp phải chịu một phần là để bù đắp cho các khoản vay dưới chuẩn của ngân hàng. Mặt khác, các ngân hàng cũng đang chạy đua giải ngân tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức.
Không dễ để các ngân hàng tự điều chỉnh và tối ưu hóa lãi suất một cách nhanh chóng. Lợi nhuận vẫn là mục tiêu hàng đầu của họ. Thông điệp của Thủ tướng, với các biện pháp như kiểm soát hạn mức tín dụng và thu hồi giấy phép, sẽ tác động trực tiếp đến lợi nhuận của các ngân hàng nếu họ vi phạm.
Tuy nhiên, việc quản lý thị trường tài chính, đặc biệt là lãi suất bằng mệnh lệnh hành chính không thể kéo dài. Có thể hạn chế khả năng lập kế hoạch kinh doanh, huy động và sử dụng vốn hiệu quả của các ngân hàng. Về lâu dài, can thiệp hành chính quá mức có thể gây méo mó thị trường, bởi nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp là khách quan, phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, triển vọng thu nhập và cả bối cảnh tài chính toàn cầu.
Ngân hàng Nhà nước hiểu rõ nguyên tắc này. Nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng, mọi thứ cần được kiểm soát. Các chuyên gia tài chính cho rằng, về lâu dài, cần có những giải pháp mang tính thị trường hơn để điều tiết lãi suất, thay vì chỉ dựa vào các biện pháp hành chính.
Hy vọng, với sự vững mạnh hơn của nền kinh tế và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể linh hoạt hơn trong các chính sách điều hành, hướng tới một thị trường tài chính ổn định và bền vững.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/chinh-phu-quyet-liet-binh-on-lai-suat-305405.htm