Định hình tương lai nông nghiệp ASEAN trước ngã rẽ đổi mới và phát triển bền vững

Sáng 25/2, một trong những sự kiện khởi động Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 là tọa đàm 'Thúc đẩy nông nghiệp thông minh vì an ninh lương thực khu vực', diễn ra tại Học viện Ngoại giao.

TS. Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia. (Ảnh: Ngọc Anh)

TS. Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia. (Ảnh: Ngọc Anh)

Tham dự sự kiện có TS. Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao; ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TS. Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cùng các chuyên gia về nông nghiệp từ trong và ngoài ASEAN.

Tọa đàm đã thảo luận về cách thức ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, phân tích dữ liệu lớn nhằm tăng năng suất mùa màng, quản lý hiệu quả nguồn lực và ứng phó với những thách thức từ thiên nhiên.

TS. Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định nông nghiệp từ lâu đã là nền tảng của nhiều nền kinh tế ASEAN. (Ảnh: Ngọc Anh)

TS. Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định nông nghiệp từ lâu đã là nền tảng của nhiều nền kinh tế ASEAN. (Ảnh: Ngọc Anh)

Phát biểu chào mừng, TS. Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, khi đứng trước ngã rẽ của đổi mới và phát triển bền vững, vai trò của công nghệ trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp ở khu vực ASEAN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Từ canh tác chính xác, tưới tiêu thông minh đến tích hợp phân tích dữ liệu và áp dụng các phương pháp bền vững, những cơ hội mà ASEAN có được hiện nay thực sự vô cùng rộng mở và đầy triển vọng.

Theo TS. Nguyễn Thị Thìn, nông nghiệp từ lâu đã là nền tảng của nhiều nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực này tại các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, dân số ngày càng gia tăng đòi hỏi nguồn thực phẩm an toàn và lành mạnh hơn, đặc biệt là khi chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn đột ngột.

“Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông minh trở nên cấp thiết nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng suất của hệ thống nông nghiệp”, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định.

Đồng thời, TS. Nguyễn Thị Thìn cho biết, tọa đàm lần này là nền tảng để những quốc gia thành viên ASEAN chia sẻ tri thức, xây dựng quan hệ đối tác và thảo luận về các phương pháp tốt nhất trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm thúc đẩy nông nghiệp thông minh.

“Tôi tin rằng, thông qua nỗ lực chung, chúng ta có thể định hình tương lai của nền nông nghiệp ASEAN, từ đó đảm bảo an ninh lương thực bền vững”, TS. Nguyễn Thị Thìn nhận định.

Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: Ngọc Anh)

Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: Ngọc Anh)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ rõ ASEAN đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, xung đột, mất cân bằng sinh thái và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, cần phải đẩy nhanh các chương trình hành động trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và thông minh, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo sự phát triển bền vững của ASEAN.

Theo ông Tô Việt Châu, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đem đến thu nhập cho 60% dân số nông thôn, đóng góp 12% GDP của đất nước năm 2023, tạo việc làm cho gần 400.000 lao động. Ngoài ra, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang phát triển theo hướng công nghệ sinh thái và công nghệ cao, bảo vệ đất đồng thời thích ứng với điều kiện khí hậu, gắn với lĩnh vực công nghiệp nông thôn. Có thể nói, ngành nông nghiệp ở Việt Nam đang chuyển đổi tư duy sản xuất, đảm bảo phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu và kết hợp hài hòa các yếu tố về môi trường.

Bên cạnh đó, ông Tô Việt Châu nhấn mạnh, Việt Nam cũng là quốc gia tiên phong trong nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đặc biệt, Việt Nam đã phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhằm xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm; đồng thời, triển khai đề án phát triển bền vững, gắn với tăng trưởng xanh đến năm 2030.

Đây chính là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Ngọc Anh)

Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Ngọc Anh)

Tại Tọa đàm, các học giả cùng nhau chia sẻ về tiềm năng của nông nghiệp thông minh trong việc khắc phục những vấn đề đặc thù của khu vực, hướng tới đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nền nông nghiệp bền vững cho ASEAN.

Cụ thể, ông Anggri Hervani từ Cơ quan nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Indonesia đã chỉ ra những xu hướng hiện nay trong nông nghiệp thông minh như canh tác chính xác, nông nghiệp kỹ thuật số, cây trồng thông minh và có khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, các giải pháp bền vững trong công nghệ công nghiệp, nông trại thẳng đứng và nông nghiệp đô thị.

Đồng thời, ông Hervani đưa ra các giải pháp cho nền nông nghiệp tương lai bao gồm ứng dụng blockchain và AI để truy xuất nguồn gốc thực phẩm và triển khai nền tảng thương mại điện tử cho hộ nông dân có quy mô nhỏ.

Các biện pháp này nhằm đảm bảo chuỗi cung cứng an toàn, minh bạch, giá cả công bằng, an toàn thực phẩm, giảm chất thải ra môi trường và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.

Còn theo ông Manoluck Bounsihalath, Giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông nông - lâm nghiệp, Viện nghiên cứu nông - lâm nghiệp Lào, nông dân nước này hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế trong việc tiếp cận các công nghệ nông nghiệp hiện đại, tác động của biến đổi khí hậu, khó khăn khi tiếp cận thị trường, suy thoái đất và các vấn đề về sâu bệnh.

Ông Bounsihalath chỉ rõ, nông nghiệp thông minh là quá trình ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng cây trồng, đồng thời giảm thiểu sức lao động cho con người. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào đang thực hiện kế hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) giai đoạn 2020-2025, với tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời tiến hành rà soát, phát triển kế hoạch cho giai đoạn 2025-2035.

Trong phiên thảo luận, các chuyên gia chỉ ra nhiều giải pháp cho nền nông nghiệp tương lai. (Ảnh: Ngọc Anh)

Trong phiên thảo luận, các chuyên gia chỉ ra nhiều giải pháp cho nền nông nghiệp tương lai. (Ảnh: Ngọc Anh)

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Bộ cho rằng nông nghiệp thông minh tại Việt Nam được hiểu là quá trình sản xuất chủ động phản ứng với các biến động từ yếu tố khách quan và chủ quan, nhằm thích ứng tốt hơn với những thay đổi của môi trường.

Đây là quá trình chuyển đổi từ việc tập trung vào giá trị đơn lẻ sang tích hợp đa giá trị, từ mục tiêu kinh tế thuần túy đến cân bằng giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Trong lĩnh vực sản xuất lương thực, đặc biệt là ngành lúa gạo, nông nghiệp thông minh chính là bước chuyển từ các phương pháp truyền thống sang những mô hình bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu của thị trường.

Chính vì vậy, việc phát triển nông nghiệp thông minh là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường liên tục biến động, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm các bài viết trên Báo Thế giới và Việt Nam về Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 tại đây.

Ngọc Anh - Ngọc Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dinh-hinh-tuong-lai-nong-nghiep-asean-truoc-nga-re-doi-moi-va-phat-trien-ben-vung-305520.html