Chính phủ sẽ tiếp tục chăm lo toàn diện các chính sách cho phụ nữ

Chủ trì Hội nghị đối thoại nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội và bình đẳng giới cho phụ nữ.

Ngày 15/10, khoảng 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm tại Hà Nội và trên 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia tại các điểm cầu trên cả nước đã tham dự Hội nghị đối thoại với Thủ tướng Chính phủ cùng chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội".

Trong Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, thành viên Chính phủ đã đối thoại với đại diện phụ nữ cả nước 15 nội dung cụ thể thuộc các chủ đề: phụ nữ với phát triển kinh tế; phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; phụ nữ và thế hệ tương lai…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ban ngành tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ban ngành tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa)

Nhiều tâm tư gửi gắm người đứng đầu Chính phủ

Tại sự kiện, chị Nguyễn Thị Bình - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bản Giao, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, đặt câu hỏi về giải pháp nhằm tạo cơ hội để phụ nữ chủ động, sáng tạo tham gia khởi nghiệp, kinh tế tập thể, đặc biệt các giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, các giải pháp hỗ trợ các sản phẩm của phụ nữ đạt tiêu chuẩn OCOP.

Cùng với phần giải đáp của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng đã có nghị quyết, Quốc hội có luật về hợp tác xã và các quy định về phát triển hợp tác xã.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xem xét, điều chỉnh, sửa đổi các vướng mắc, các quy định chưa sát thực tế, nhất là các cơ chế chính sách để khuyến khích chị em tham gia hợp tác xã.

Thủ tướng cũng cho rằng, phát triển sản phẩm OCOP có 5 vấn đề để phát triển bền vững, hiệu quả: xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; sự hỗ trợ về vốn của các tổ chức tín dụng; hỗ trợ khoa học công nghệ; hỗ trợ thị trường.

Đối với kiến nghị của chị Vi Thanh Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Như Xuân, Thanh Hóa về mô hình hoặc giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong lúc khó khăn, đặc biệt đóng góp quan trọng cho xuất khẩu của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam Lê Thị Hợp đề nghị Chính phủ sẽ có giải pháp gì nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, trong đó, có những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể về thu hút và sử dụng nhà khoa học nữ trong thời gian tới.

Với đề nghị triển khai các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia của chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH May SH, Thừa Thiên Huế, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước rất quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị và đề nghị các bộ, ngành rà soát xem xét lại toàn diện về thể chế, quy trình, thủ tục, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Trước băn khoăn của chị Lê Thị Bích Hậu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên về việc tỷ lệ cán bộ nữ, đặc biệt là ở những địa phương tham gia các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước đã có chính sách bình đẳng giới trong mọi hoạt động, trong đó có việc tạo điều kiện, nới rộng độ tuổi để phụ nữ tham gia quản lý nhà nước.

Theo Thủ tướng, cùng với tiếp tục tổ chức thực hiện thật tốt chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, chúng ta phải bỏ được định kiến, đặc biệt bản thân phụ nữ cũng phải có tiếng nói, khẳng định mình, trên tinh thần trọng dụng những người có đức, có tài.

Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bản Giao, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa)

Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bản Giao, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa)

Sự vào cuộc tổng thể, toàn diện

Lắng nghe các tâm tư của chị em, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các ý kiến thảo luận rất sâu sát, tâm huyết, trách nhiệm, thiết thực, có tính xây dựng cao tập trung vào những vấn đề trọng tâm.

Thủ tướng cho rằng, hình ảnh người mẹ là biểu tượng cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam, là người nuôi dưỡng, dẫn dắt cảm xúc, hành động và là tượng đài của mỗi người. Truyền thống tốt đẹp đó luôn được gìn giữ, phát huy qua các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành 8 chữ vàng tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng-bất khuất-trung hậu-đảm đang”.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, an sinh xã hội và bình đẳng giới là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

Các chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ phụ nữ thời gian qua góp phần tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ; tạo môi trường để phụ nữ khẳng định mình; công tác phụ nữ và bình đẳng giới có chuyển biến tích cực; phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học...

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu, mục tiêu về công tác cán bộ nữ; cơ chế đặc thù cho cán bộ ở các thành phố lớn, nhất là những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng chính sách mở rộng kết nối giữa hệ thống các doanh nghiệp dẫn đầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ. Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về BHYT, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó, có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam; phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố nghiên cứu, báo cáo chủ trương về máy tính cho cán bộ Hội cấp cơ sở, đảm bảo phương tiện, điều kiện làm việc trong bối cảnh thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình giáo dục làm cha mẹ; rà soát, đảm bảo đủ chỗ học an toàn cho trẻ mầm non; chú trọng đưa vào chương trình dạy các kỹ năng sinh tồn và tạo môi trường an toàn cho trẻ em.

Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận khoa học, ứng dụng công nghệ và kỹ năng số, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số.

Thủ trướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ đại diện phụ nữ tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa)

Thủ trướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ đại diện phụ nữ tại Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa)

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đảm bảo cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước; tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh, toàn diện, hướng về cơ sở; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các phong trào thi đua, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội...

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, công tác giảm nghèo bền vững, công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Hà Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-phu-se-tiep-tuc-cham-lo-toan-dien-cac-chinh-sach-cho-phu-nu-202123.html