Chính phủ Thống nhất Quốc gia công bố video Lực lượng Phòng vệ Nhân dân chống quân đội Myanmar
Do những người chống đối chính quyền quân sự Myanmar thành lập, Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết lứa tân binh đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân đã hoàn thành khóa huấn luyện và công bố video họ diễu hành với quân phục.
Quân đội Myanmar đã nắm quyền vào ngày 1.2, lật đổ nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi và đẩy đất nước Đông Nam Á vào cảnh hỗn loạn. Chính phủ Thống nhất Quốc gia tuyên bố sẽ thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân để thách thức quân đội.
Đoạn video về buổi lễ tốt nghiệp được phát hành hôm 28.5 với hình ảnh Yee Mon - Bộ trưởng quốc phòng của Chính phủ Thống nhất Quốc gia.
Yee Mon - Bộ trưởng quốc phòng của Chính phủ Thống nhất Quốc gia
Theo nội dung video, khoảng 100 chiến binh diễu hành trên bãi đất lầy lội trong rừng rậm. Họ diễu hành trong quân phục rằn ri mới đằng sau các lá cờ của lực lượng mới, màu đỏ với một ngôi sao trắng. Video không cho thấy họ mang theo vũ khí.
"Quân đội này được thành lập bởi chính phủ dân sự chính thức. Lực lượng Phòng vệ Nhân dân phải gắn với nhân dân và bảo vệ nhân dân. Chúng ta sẽ chiến đấu để giành chiến thắng trong trận chiến này", một sĩ quan giấu tên cho biết tại buổi lễ.
Một phát ngôn viên của quân đội Myanmar không trả lời các cuộc gọi tìm kiếm bình luận.
Hôm 5.5, Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết đã thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân để bảo vệ những người ủng hộ mình khỏi các cuộc tấn công quân sự và bạo lực do chính quyền kích động.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia được thành lập hôm 16.4 bởi những người phản đối chính quyền quân sự bao gồm các thành viên Quốc hội bị lật đổ, các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình chống đảo chính và các dân tộc thiểu số.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhân dân là tiền thân của Quân đội Liên bang. Lực lượng này có trách nhiệm "thực hiện các cải cách hiệu quả trong lĩnh vực an ninh để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 70 năm".
Các nhà chức trách quân sự Myanmar nói Chính phủ Thống nhất Quốc gia là phản quốc và Chính phủ lẫn Lực lượng Phòng vệ Nhân dân bị coi là các nhóm khủng bố.
Gần 4 tháng sau cuộc đảo chính, quân đội Myanmar vẫn đang vật lộn để áp đặt trật tự.
Các cuộc biểu tình chống quân đội diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi trên cả nước. Cuộc đình công của những người phản đối chính quyền đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh. Giao tranh bùng phát giữa quân đội Myanmar với các nhóm vũ trang dân tộc và các lực lượng dân quân mới được thành lập để chống lại nó.
Hai quả bom tự chế đã phát nổ tại thành phố Yangon hôm 29.5, dường như nhắm vào một đồn cảnh sát và một xe tải quân đội, theo dịch vụ tin tức Mizzima.
Mizzima cho biết một người đang nói chuyện với binh lính đã bị thương trong vụ nổ thứ hai.
Các lực lượng của quân đội Myanmar đã giết chết hơn 800 người kể từ cuộc đảo chính, theo số liệu được Liên hợp quốc trích dẫn. Hơn 4.000 người đã bị giam giữ.
Lãnh đạo quân đội Myanmar – Thống tướng Min Aung Hlaing bác bỏ con số đó, cho biết số dân thường thiệt mạng là gần 300 người và khoảng 50 thành viên lực lượng vũ trang thiệt mạng. Các nhóm chiến đấu với lực lượng vũ trang nói rằng đã gây ra rất nhiều thương vong.
Quân đội biện minh cho cuộc đảo chính với lý do gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng hồi tháng 11.2021. Các cáo buộc đã bị bác bỏ bởi ủy ban bầu cử trước đó. Suu Kyi đang bị xét xử với một loạt cáo buộc mà các luật sư của bà cho rằng có động cơ chính trị.
9 quốc gia Đông Nam Á đã đề xuất giảm bớt lời kêu gọi cấm vận vũ khí với Myanmar trong dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về nước này.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia được thành lập hôm 16.4 bởi những người phản đối chính quyền quân sự bao gồm các thành viên Quốc hội bị lật đổ, các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình chống đảo chính và các dân tộc thiểu số.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Thống nhất Quốc gia cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhân dân là tiền thân của Quân đội Liên bang. Lực lượng này có trách nhiệm "thực hiện các cải cách hiệu quả trong lĩnh vực an ninh để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 70 năm".